The Invisible Man (Kẻ Vô Hình): Nỗi ám ảnh rợn tóc gáy đến từ ‘người cũ’
Thông tin phim The Invisible Man
- Tên phim: The Invisible Man
- Tựa Việt: Kẻ Vô Hình
- Thể loại: Kinh dị, Khoa học viễn tưởng
- Đạo diễn: Leigh Whannell
- Kịch bản: Leigh Whannell
- Sản xuất: Jason Blum, Kylie du Fresne
- Dựa trên: Nhân vật và nhận thức từ The Invisible Man của H. G. Wells
- Diễn viên: Elisabeth Moss, Aldis Hodge, Storm Reid, Harriet Dyer, Michael Dorman, Oliver Jackson-Cohen
- Âm nhạc: Benjamin Wallfisch
- Quay phim: Stefan Duscio
- Dựng phim: Andy Canny
- Hãng sản xuất: Universal Pictures, Blumhouse Productions, Goalpost Pictures, Nervous Tick Productions
- Phát hành: Universal Pictures
- Công chiếu: 27 tháng 2 năm 2020 (Úc), 28 tháng 2 năm 2020 (Hoa Kỳ, Việt Nam)
- Độ dài: 124 phút
Nguồn: BHD Star Cineplex
The Invisible Man (Kẻ Vô Hình) là một trong những bộ phim từng được lên kế hoạch để làm nền tảng cho vũ trụ quái vật của Universal cùng với Xác ướp Ai Cập và Dracula. Thất bại phòng vé của 2 phim tiền nhiệm, tác phẩm sau đó được làm lại từ phiên bản 1933 và được thay máu toàn bộ để ra rạp độc lập vào năm 2020.
Bộ phim xoay quanh nhân vật Cecilia cùng mối quan hệ của cô với Adrian - một gã tỷ phú thiên tài về công nghệ. Cứ ngỡ đó là câu chuyện tình yêu đẹp đẽ, ai ngờ Cecilia lại thường xuyên bị người yêu bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần. Mọi việc càng trở nên kỳ lạ khi Adrian được thông báo là đã tự sát, để lại cho cô khoản thừa kế khổng lồ. Sau đó, những hiện tượng lạ lùng liên tiếp xảy đến với Cecilia khiến tâm lý của cô bất ổn, mạng sống cũng bị đe dọa.
The Invisible Man (Kẻ Vô Hình): Căng thẳng, hồi hộp đến từng giây phút
Nắm bắt tâm lý khán giả
Không rườm rà hay tốn kém thời gian cho những tình tiết thừa thãi, ngay từ những phút đầu tiên The Invisible Man (Kẻ Vô Hình) đã mang đến sự căng thẳng, hồi hộp tột độ cho khán giả. Điều này vẫn được duy trì xuyên suốt bộ phim, thậm chí còn được đẩy lên cao trào khiến người xem càng ngày càng bị thu hút.
Cái hay ở phim còn nằm ở chỗ, nó hiểu được đối tượng mình đang khai thác, từ đó triển khai câu chuyện theo đúng hướng. Bộ phim thường gắn với những hành vi bất ngờ, rình rập, ám ảnh tinh thần khiến khán giả phát điên. Nỗi lo sợ của Cecilia (Elisabeth Moss) từ vô căn cứ trở nên có cơ sở, sự chuyển giao giữa 2 hình thái cũng diễn ra hết sức tự nhiên.
Đặc biệt, The Invisible Man (Kẻ Vô Hình) còn nắm bắt được tâm lý khán giả. Với tên gọi của phim, ắt hẳn nhiều người sẽ đoán sơ sơ được các tình tiết. Chính vì thế, bộ phim đã sử dụng nhiều cảnh quay không có nhân vật, khiến người xem phải căng mắt ra tìm kiếm những dấu hiệu dù là nhỏ nhất để xác định liệu có người hay không.
Ngoài yếu tố kinh dị, khoa học viễn tưởng thì chủ đề chính của phim là sự bạo hành và khống chế cảm xúc. Khi câu chuyện trở nên rõ ràng, đạo diễn Whannell bất ngờ đẩy cao nhịp độ của phim bằng loạt phân cảnh ghê rợn. Sự thông minh của nhân vật chính vào thời điểm này giúp nâng tầm tác phẩm, trở thành một cuộc đấu trí đúng nghĩa giữa Cecilia và kẻ thù.
Những khoảnh khắc bên bờ vực sụp đổ tinh thần cũng giúp cho nhân vật trở nên đời thường hơn. Đây cũng là nút thắt báo hiệu sự thay đổi trong hành động của Cecilia, trở nên mạo hiểm và cực đoan hoan. Trước sự việc, các phản ứng của cô có cả hoang mang và sai lầm khiến người xem đồng cảm, nhưng cũng đủ nhanh trí để thoát khỏi mẫu nhân vật ‘vô dụng’ trong phim kinh dị.
Cảnh quay xuất sắc
Trong The Invisible Man (Kẻ Vô Hình), kỹ thuật quay được áp dụng đồng nhất với concept, mang đến nhiều góc máy hẹp và tạo nên các khung hình nhỏ hơn, nằm bên trong của một khung hình lớn. Điều này khiến khán giả cảm thấy các nhân vật trong phim như đang bị người nào đó theo dõi nhưng lại không dám chắc chắn. Khi đó, tâm lý người xem tương tự Cecilia, vừa rối loạn vừa hoảng sợ nhưng không một ai tin tưởng.
Với những phân cảnh hành động, những hiệu ứng đặc biệt được sử dụng được đánh giá không ấn tượng bằng các cảnh hoang tưởng bị tê liệt đầu óc của nữ chính Cecilia. Hiệu ứng làm nhòe âm thanh cùng cách chọn góc sáng ẩn hiện, nhiều phân cảnh Cecilia đã hiện lên như một kẻ tâm thần thực sự.
Diễn xuất ấn tượng của dàn cast
Không thể phủ nhận, một trong những yếu tố lớn nhất dẫn đến thành công của The Invisible Man (Kẻ Vô Hình) là nhờ diễn xuất của nữ diễn viên Elisabeth Moss. Trước tác phẩm kinh dị này, nữ diễn viên từng có nhiều kinh nghiệm diễn xuất trong quá khứ, đặc biệt là các bộ phim Her Smell, The Handmaid’s Tale hay Mad Men. Đến The Invisible Man, Elisabeth Moss được coi là phiên bản vô cùng đáng sợ của Cecilia. Khả năng chuyển đổi cảm xúc trên gương mặt cô rất đáng kinh ngạc, từ một người có tinh thần bất ổn sang kẻ gian xảo chỉ trong một nốt nhạc. Nhiều phân đoạn, Moss đã đánh lừa người xem nhờ lối diễn tự nhiên của mình.
Trong khi đó, Jackson-Cohen thủ vai người vô hình hiện lên với nhan sắc đỉnh cao. Cho đến tận cuối phim, nhiều người vẫn không tin anh là vai ác. Nam diễn viên người Anh có gương mặt điển trai và chiều cao ấn tượng đã đốn tim vô số khán giả.
Tóm lại, The Invisible Man (Kẻ Vô Hình) có nội dung không quá phức tạp và đủ sức hấp dẫn, thế nhưng chính cách kể chuyện không rõ đầu đuôi cùng việc tạo dựng một không khí căng thẳng đã khiến phim không bị nhàm chán dù đôi chỗ lê thê, khó hiểu.