Phố Trong Làng: Nam nữ chính bị chê tơi tả, dàn diễn viên phụ “gánh còng lưng”
Thông tin chung về phim Phố Trong Làng
- Quốc gia: Việt Nam
- Thể loại: Tâm lý xã hội, hình sự, nông thôn, hài hước
- Kịch bản: Đặng Thị Diệu Hương, Lê Thu Thủy, Nguyễn Mạnh Cường
- Đạo diễn: NSƯT Nguyễn Mai Hiền, Trần Trọng Khôi
- Diễn viên: Phạm Anh Tuấn, Phùng Đức Hiếu, Trần Vân, Doãn Quốc Đam, Phạm Ngọc Anh, Lưu Duy Khánh, NSƯT Đức Khuê, NSƯT Đình Chiến, Duy Hưng, Thu Huyền, Tuấn Anh…
- Số tập: 58 tập
- Ngày phát sóng: 8/11/2021
Nguồn: TVAd TV
Phố Trong Làng là một bộ phim truyền hình phát sóng trên kênh VTV1, tiếp nối phim ăn khách trước đó là Hương Vị Tình Thân. Với đề tài nông thôn, Phố Trong Làng đã đem đến cho khán giả những khoảnh khắc bình dị vốn có của làng quê, bên cạnh đó cũng kể về những góc khuất ẩn náu ở chốn làng quê bình dị này. Hãy cùng tìm hiểu về bộ phim nông thôn gần gũi thu hút sự quan tâm của khán giả này nhé.
Bức tranh nông thôn miền Bắc hiện đại, đa sắc màu
Bộ phim Phố Trong Làng xoay quanh cuộc sống của những người dân ở xã Tân Xuân - một xã không lớn nhưng chịu ảnh hưởng nhiều của sự phát triển, hiện đại hóa. Làng quê yên bình ngày nào bỗng trở nên “có giá” nhờ đất, nhiều gia đình bỏ bê công việc, lao vào đàn đúm, cờ bạc,... tệ nạn theo đó cũng ngày càng nhiều lên.
Phim bắt đầu từ những vụ án tưởng chừng như nhỏ nhặt như những xung đột, cãi vã như “cơm bữa” của vợ chồng Mến - Thương, sự kỳ thị của dân làng với Hiếu - một người vừa mãn hạn tù, hay những lục đục nội bộ dòng tộc,... Từ những nút thắt ấy đã dẫn dắt người xem vào các âm mưu lớn hơn.
Giữa lúc Tân Xuân đang vô cùng rối ren như vậy thì Nam (diễn viên Anh Tuấn thủ vai), một công an chính quy được đề cử về giữ vị trí công an xã, một vị trí khiến anh gặp phải nhiều bỡ ngỡ. Không còn đi đánh án hình sự, Nam và các đồng đội phải làm quen với việc xử lý những sự vụ từ cá nhân, nhỏ nhặt cho đến những vấn đề lớn hơn liên quan đến âm mưu chiếm đất của một nhóm lợi ích gồm cả cán bộ, doanh nghiệp và dân giang hồ.
Càng ở lâu, càng đi sâu và thấu hiểu những người dân nơi đây, Nam lại càng gắn bó và nhận ra những việc mình làm cho người dân, cho mảnh đất Tân Xuân không chỉ là nhiệm vụ mà như là trách nhiệm của một người con của mảnh đất này.
Ngoài những “con sâu làm rầu nồi canh” khiến Tân Xuân có phần xấu xí, méo mó, thì mảnh đất này vẫn còn đó những con người chất phác, chân thành, chính nghĩa, luôn ủng hộ Nam và những điều tốt đẹp. Tại đây, Nam có thêm những người bạn, những người đồng nghiệp có cùng chí hướng, chung lý tưởng. Đặc biệt là mối tình đẹp nhưng không ít sóng gió với Ngọc (diễn viên Ngọc Anh đảm nhận) càng khiến sự điều chuyển, bổ nhiệm này trở thành “định mệnh” của Nam.
Nét diễn gần gũi của dàn diễn viên thu hút khán giả
Phố Trong Làng thu hút khán giả nhờ kịch bản gần gũi và diễn xuất tự nhiên của dàn diễn viên. Đảm nhận vai Nam, diễn viên Anh Tuấn cho biết, anh đã dành thời gian luyện tập để có ngoại hình rắn rỏi, ngoài ra, xanh còn xem nhiều phim hình sự để học tập tác phong chiến sĩ. Trong khi đó, Đức Hiếu (Đông) lại chọn cách nói chuyện và tiếp xúc với các anh công an ngoài đời thật để vào vai. Duy Khánh (vai Hoàng) có nét diễn lém lỉnh, vui tươi.
Để câu chuyện của các chiến sĩ không khô khan, biên kịch và đạo diễn đã lồng ghép khéo léo chuyện tình của họ. Nam có tình cảm với y tá Ngọc, trong khi Đông phải lòng Hải (Minh Thu đóng) - cô gái bán tạp hóa trong phim. Chuyện tình Đông - Hải nhận được rất nhiều sự yêu thích của khán giả. Các phân đoạn đối đáp hài hước giữa hai diễn viên thu hút hàng triệu lượt xem trên Facebook, TikTok. Là các diễn viên thuộc thế hệ 9X, Anh Tuấn, Duy Khánh, Minh Thu, Ngọc Anh ghi điểm với lối diễn tự nhiên, tạo nét tươi mới cho bộ phim Phố Trong Làng.
Bên cạnh yếu tố kịch bản và diễn viên, Phố Trong Làng còn ghi điểm nhờ những khung hình khắc họa vẻ đẹp làng quê. Những hình ảnh đồng lúa, vườn cây, góc sân,... hiện lên vô cùng giản dị, bình yên.
Cặp đôi chính bị chê tơi tả, dàn diễn viên phụ “gánh” từ đầu tới cuối
Phố Trong Làng thu hút rất đông sự quan tâm của khán giả, mang đến cho người xem nhiều câu chuyện rất đời. Thế nhưng, xuyên suốt hành trình phát sóng của phim, khán giả lại cảm thấy nghịch lý rằng nam nữ chính của phim khá mờ nhạt, trong khi dàn diễn viên phụ mới là điểm níu chân khán giả. Ngay cả khi cặp đôi chính Nam - Ngọc có nhiều đất diễn thì với lối diễn gượng gạo, nhạt nhòa, thiếu tự nhiên không thể làm khán giả cảm thấy hứng thú.
Trong khi đó, dàn diễn viên phụ của Phố Trong Làng lại “chất lượng” vô cùng. Chẳng hạn như anh Mến (Doãn Quốc Đam) - vai phụ nhưng “gánh còng lưng” thay nam chính. Thật không ngoa khi nói rằng Mến “Chí Phèo” là một trong những nhân tố hàng đầu và quan tọng nhất níu chân khán giả ở lại với bộ phim. Diễn xuất biến hóa của Doãn Quốc Đam khiến người xem nể phục, khi thì như một con thú đáng sợ, khi thì đau đớn tột cùng vì thương con, đôi khi cũng dịu dàng hướng thiện, trở thành chỗ dựa cho hai mẹ con.
Cùng với Mến, các tuyến nhân vật khác như Đông, Hoàng, Hải, Hoài, Hiếu, Thương, bé Tình,... không những làm tốt mà còn làm hay hơn nhật vật của mình. Dường như khán giả không muốn bỏ sót bất kỳ phân cảnh nào của tuyến nhân vật phụ, các mà từng diễn viên thổi hồn vào nhân vật của mình thực sự đã chạm đến trái tim người xem. Mỗi người một tính cách, một câu chuyện khác nhau, nhưng họ đã cùng nhau tạo nên một bộ phim đa màu sắc.
Dù vậy, Phố Trong Làng vẫn mang đến nhiều sức hút cho khán giả truyền hình khi khai thác đề tài nông thôn với những câu chuyện đời sống bình dị, đa sắc màu. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng lên án những vấn nạn như bạo hành gia đình, xung đột trong dòng họ, hay việc cán bộ xã tham ô, trục lợi.