Làn gió phim kinh dị: Việt Nam đang ở đâu trên thị trường?
Có thể nói phim chiếu rạp kinh dị Việt Nam trong những năm gần đây thu hút được sự chú ý của dư luận nhưng chất lượng chưa đạt đến mức độ người xem mong muốn. Điều đó dẫn đến việc những dòng phim kinh dị Việt Nam luôn là điểm yếu và không thể tiến xa. Đâu là lý do cho điều này?
Thứ nhất, thời điểm ra rạp. Cuộc chiến của những bộ phim khi được tung ra màn ảnh lớn đều có sự gay gắt, không chỉ về chất lượng mà còn ở suất chiếu. Những bộ phim có suất chiếu ít ỏi do chất lượng không tốt, thu về phản hồi tiêu cực từ người xem, sẽ không thể cạnh tranh về suất chiếu, và có thể sẽ phải rút lui khỏi phòng vé chỉ trong vài tuần ra rạp. Điển hình là phim Cù lao xác sống. Một ưu điểm của bộ phim này là thời điểm ra rạp là ngày lễ và cũng có mức độ marketing tốt nên thu hút được lượng người xem lớn. Tuy nhiên, việc lấy đề tài zombie nhưng pha thêm thể loại hài và thông điệp an toàn vệ sinh thực phẩm là chưa hợp lý nên dẫn đến việc thiếu liên kết. Do đó, người xem không hiểu được mạch truyện và cái kết có liên quan gì đến nhau. Độ chân thực của dàn diễn viên đóng zombie không cao nên phim không mang lại thành công như mong đợi. Cuối cùng, phim đã phải rút khỏi rạp vì phản hồi tiêu cực từ người xem.
Thứ hai, kinh dị vẫn nên là kinh dị. Đồng ý rằng một bộ phim vẫn nên có đa dạng yếu tố, mặc khác, việc cân đo đong đếm các yếu tố chính và phụ là vô cùng quan trọng. Sẽ tốt hơn nếu bộ phim kinh dị tập trung khai thác giá trị kinh dị và tạo ra những bước ngoặt không thể ngờ đến. Ở thời điểm hiện tại, kinh dị không còn gói gọn ở việc tạo ra ma quỷ, mà còn là lòng người hoặc chất liệu dân gian Việt Nam. Ví dụ như năm 2023 này, chúng ta có thể đón chờ bộ phim rạp “Tết ở làng địa ngục” hoặc dự án với mức kinh phí khủng với sự tham gia của nhiều nhà làm phim nước ngoài như “Mật mã 45: Ma đói.
Tuy nhiên, những dòng phim lấy truyền thuyết đô thị làm phim là một sự lựa chọn liều lĩnh và thách thức,có thể nhận về thất bại thảm hại nếu làm không tốt. Điển hình là “Chuyện ma gần nhà”. Thật ra, bộ phim hội tụ các câu chuyện dựa theo truyền thuyết kinh dị đô thị có thật ở Việt Nam là một điểm cộng, mẩu chuyện đầu làm rất tốt nhưng về sau dường như phim có bước lùi lớn và đuối sức. Mạch phim về sau quá nhanh và cái kết đột ngột khiến người xem chưa hình dung được rõ cốt truyện, đặc biệt là twist quá nhanh và đột ngột. Phim có thể sẽ làm tốt hơn nếu nhịp độ câu chuyện về sau chậm lại và tạo cái kết giật gân cho những người đang hội họp kể chuyện ma trong căn hộ.
Gần đây, những nhà biên kịch bắt đầu theo đuổi thể loại kinh dị - thriller (hồi hộp) - tâm lý tội phạm. Điển hình là phim “Bằng chứng vô hình” đã tạo ra sức bật truyền thông và tạo cảm hứng cho các nhà làm phim đang theo đuổi thể loại này có cơ hội được đưa ý tưởng của mình lên màn ảnh lớn. Tuy nhiên, bộ phim cùng thể loại “Vô diện sát nhân” lại là bước thụt lùi vì lạm dụng jump-scare. Với những bộ phim thuộc những thể loại như thế này, nhịp độ phim chậm sẽ khắc họa rõ hơn chuyển biến tâm lí nhân vật. Tuy nhiên, phim “Bằng chứng vô hình” chỉ là phim remake lại của phim “Blind” của Hàn Quốc, còn phim thuộc dòng thể loại này chưa có kịch bản đủ sức bật ở Việt Nam. Đó cũng chính là tín hiệu cho những nhà biên kịch yêu thích thể loại như thế này phải có những ý tưởng nổi bật hơn, khác biệt hơn, để đáp ứng thị hiếu và đồng tiền mà khán giả bỏ ra. Để làm được điều đó, đòi hỏi chất xám và nỗ lực của những nhà biên kịch và khả năng hiện thực hoá điều đó lên màn ảnh lớn.
Thứ ba, cái kết hờ hững. Đa số những bộ phim ở Việt Nam có những cái kết tụt hứng và không trọn vẹn. Đó không phải là Open Ending (Kết mở) hay Happy Ending (Kết có hậu) hoặc Sad Ending (Cái kết buồn). Những cái kết lưng chừng cho mạch truyện hay tạo nên ấn tượng không tốt đối với những khán giả đang xem. Vì khán giả xem phim dành thời gian dài để ngồi xem, họ cần sự thỏa mãn trong việc xem phim. Ấn tượng của người xem nằm ở khởi đầu và cái kết kèm những cú twist vượt ngoài tầm dự đoán. Do đó, một cái kết không hay sẽ khiến người xem mặc định ấn tượng cho cả bộ phim đó.
Cuối cùng là không vượt khỏi cái bóng của phim nước ngoài. Có thể nói phim Việt bắt đầu chạy đua và bắt đầu gây ấn tượng với đa thể loại hơn. Tuy nhiên, việc thử thách đa thể loại như những phim nước ngoài không mang lại điểm khác biệt, ngược lại, phim bị đem ra bàn cân so sánh. Ví dụ như phim kinh dị về Kumanthong hay thủ tục tâm linh, khi nhắc đến những thể loại này, người xem thường nghĩ đến phim Thái Lan. Hay thể loại kinh dị giật gân thì phim kinh dị nước ngoài (series Insidious hoặc vùng đất câm lặng hoặc Hereditary,.. và vô số bộ phim khác) là lựa chọn tốt nhất. Câu hỏi đặt ra là kinh dị Việt Nam có điểm gì đặc biệt và đứng đâu ở thị trường Việt Nam.
Việt Nam có khả năng truyền thông phim tốt nhưng chất lượng không mang lại như cách phim được seeding. Đó là lý do khiến khán giả mất lòng tin vào phim kinh dị Việt nam. Vì thế, với xu hướng phim kinh dị thriller đang được ưa chuộng và vẫn là đề tài không bao giờ nguội, kinh dị Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển và tạo ra những bước đi cho riêng mình.