Sisu: Già Gân Báo Thù: Thước phim đẹp, kỹ xảo ấn tượng, hành động mãn nhãn
Thông tin phim Sisu: Già Gân Báo Thù
- Tên phim: Sisu: Già Gân Báo Thù
- Đạo diễn: Jalmari Helander
- Kịch bản: Jalmari Helander
- Nhà sản xuất: Petri Jokiranta
- Thể loại: Hành động, Chiến tranh
- Diễn viên chính: Jorma Tommila, Aksel Hennie, Jack Doolan, Mimosa Willamo
- Ngày phát hành: 9/9/2022 (TIFF); 27/1/2023 (Phần Lan); 28/4/2023 (Hoa Kỳ)
- Thời lượng: 91 phút
- Quốc gia: Phần Lan, Hoa Kỳ
- Ngôn ngữ: Tiếng Anh, Phần Lan
Nguồn: Galaxy Cinema (Official)
Nội dung của Sisu không mấy phức tạp. Bộ phim lấy bối cảnh năm 1944, thời điểm mà cựu chiến binh Aatami Korpi bất ngờ tìm thấy một mỏ vàng lớn tại vùng hoang dã Lapland của Phần Lan. Ngay sau đó, ông cùng chú chó trung thành của mình quay trở về thành phố cùng số vàng tìm được.
Trên đường về, Aatami vô tình đụng phải một nhóm quân Đức Quốc Xã do Bruno Helldorf (Aksel Hennie) cầm đầu. Khi biết Aatami cầm vàng, bọn lính dự định xử tử ông để có thể ôm trọn kho báu này. Vì thế, Aatami quyết tâm bảo vệ số vàng mà bản thân tìm được bằng cách giết sạch mọi kẻ dám cản đường mình.
Có thể nói, Aatami là một người không thể nào ngăn cản, người dễ dàng tìm được lối thoát cho bất kỳ tình huống ngặt nghèo nào theo cách riêng. Ông giống như một John Wick của những năm 1940, những gì mà Aatami phải đối mặt và cố gắng thoát khỏi người xem cũng dễ dàng hiểu được. Cơn thịnh nộ của ông phát sinh là do Aatami cảm thấy bản thân mình tốt hơn nhiều người khác ở xung quanh.
Người đàn ông này giống như một cỗ máy, một khi đã tấn công là không ai có thể ngăn cản. Ông thủ tiêu những kẻ cần thủ tiêu và bảo vệ những người cần giúp đỡ. Với tính giải trí và bạo lực cao, Sisu vào thời điểm ra rạp đã chinh phục cả giới phê bình và khán giả toàn thế giới.
Review Sisu: Hấp dẫn không kém gì John Wick
Phim Sisu có sự sắp xếp từng chương một cách rõ ràng và mạch lạc, tập trung vào những chủ đề chính của mỗi chương. Kịch bản phim ít lời thoại, lời thoại ngắn nên chủ yếu câu chuyện đều được kể qua các khung hình, hành động và âm thanh được các nhân vật tạo nên.
Cảnh quay siêu đẹp
Sisu ghi điểm bằng những cảnh quay cận vào cơ bắp săn chắc và chằng chịt vết sẹo, cảnh tự khâu vết thương, khuôn mặt đau đớn của từng nhân vật… Cách quay này đã lột tả và truyền tải thông tin rất tốt, không cần phải có quá nhiều lời thoại nhưng các nhân vật vẫn được giới thiệu một cách sơ bộ ngay khi mở đầu.
Thậm chí, chỉ với 1 đoạn ngắn diễn tả niềm vui sướng của ông lão đào vàng khi phát hiện một số vàng lớn cũng khiến người xem ấn tượng. Cảnh quay này không hề có thoại, chỉ có những cú lia máy liên tiếp, tập trung vào biểu cảm khuôn mặt đã có tác dụng hơn rất nhiều câu nói.
Bên cạnh đó, nhiều đại cảnh của vùng đất Laplan của Phần Lan cũng lên hình siêu “đã”. Người xem như được vi vu qua màn ảnh bởi những thước phim đẹp và độc đáo đến vậy.
Hành động bạo lực nhưng nhanh gọn
Sisu được quảng bá nhấn mạnh vào yếu tố hành động. Quả đúng như thế, Sisu không khiến người xem thất vọng bởi những pha “kết liễu” luôn nhanh gọn, chính xác và đầy bạo lực, phù hợp với bối cảnh diễn ra thời chiến, tạo nên bầu không khí căng thẳng, giằng co giữa sự sống và cái chết.
Nhiều phân cảnh, bầu không khí kịch tính còn được nhân đôi, nhân ba thông qua nét mặt và cử chỉ nhân vật. Phản diện của Sisu được xây dựng một cách đơn giản theo cách thuần ác, hành động với mục đích thu lợi cá nhân, sẵn sàng ra tay tàn nhẫn. Vì thế, những cảnh quay cho thấy kết cục của chúng cũng khiến người xem mãn nhãn không thôi.
Thể hiện nữ quyền một cách tinh tế
Nếu bạn là một người đã quá chán ngán với việc nhồi nhét thông điệp nữ quyền một cách bừa bãi, khiên cưỡng, Sisu chắc chắn sẽ khiến bạn hài lòng. Với cảnh quay 1 nhóm phụ nữ bị quân Đức bắt giữ để làm công cụ giải tỏa nhu cầu sinh lý, Sisu đã thể hiện được hành trình đứng lên đòi công bằng của những con người này. Đương nhiên, tôn trọng nữ quyền không chỉ tồn tại ở những người đàn ông mà còn cả phụ nữ.
Từ ánh mắt cho đến hành động của nhân vật Anino dẫn đầu nhóm phụ nữ đều đã truyền tải được ý chí đấu tranh kiên cường, đồng thời ca ngợi tinh thần của phái nữ. Đặc biệt, phân cảnh quay chậm của các chị em trong phim cũng bao ngầu và hoành tráng, lấn lướt nhiều bộ phim Hollywood hiện nay đang cố tuyên truyền nữ quyền một cách máy móc.
Tiếp tục thêm một “già gân” ra nhập hội phim hành động
Sisu đã đánh dấu việc thêm một “già gân” chính thức gia nhập hội phim hành đồng, đó chính là Aatami (Jorma Tommila). Người đàn ông này đã trải qua một hành trình đầy cam go để bảo vệ số vàng của mình, thậm chí là giết sạch những kẻ Phát xít cản đường. Mỗi pha ra đòn của ông đều đẹp mắt và hiệu quả.
Đương nhiên, Aatami cũng không phải là siêu nhân có thể một mình cân tất cả. Vì thế, đạo diễn Jalmari đã mang đến một kịch bản đơn giản nhưng hấp dẫn thông qua những màn trốn chạy và rượt đuổi liên tục. Những phân đoạn tấn công chớp nhoáng, bối cảnh hoang sơ, sự tĩnh lặng chết người cùng với âm thanh “đúng lúc đúng chỗ” đã khiến mỗi cảnh phim hành động càng thêm ấn tượng và kịch tính.
Dù có khá nhiều điểm cộng nhưng Sisu vẫn tồn tại một số điểm “sạn” nho nhỏ. Nhịp phim khá chậm, nhiều khi còn lạm dụng kiểu quay slow-motion, khiến người xem cảm thấy khiên cưỡng khi chuyển sang cảnh sát phạt máu me. Nội tâm của Aatami từ đầu đến cuối phim cũng khiến nhiều người khó hiểu.
Tuy nhiên sau tất cả, Sisu vẫn là một trong những bộ phim hành động hấp dẫn, xứng đáng để mọi người bỏ tiền ra rạp.