Sáng Đèn: Giúp khán giả như được sống lại những giai đoạn thăng trầm của cải lương
Nội dung mộc mạc, giàu ý nghĩa về đời nghệ sĩ
Bối cảnh Sáng Đèn là vào giữa thập niên 1990, khi mà cải lương bắt đầu thoái trào. Đoàn hát Viễn Phương theo chân ông bầu (NSƯT Hữu Châu) rong ruổi khắp các tỉnh miền Tây để tìm kiếm khách. Họ luôn đam mê với nghề hát dù nghèo khổ, khó khăn. Tuy nhiên, những biến cố liên tục ập đến, buộc Vũ Lâm (Cao Minh Đạt), Kim Yến (Lê Phương), Cảnh Thanh (Bạch Công Khanh) và Trúc Linh (Trúc Mây) lần lượt phải đưa ra những lựa chọn đau lòng.
Nguồn: MEGA GS ENTERTAINMENT
Ngoài cuộc sống trên ánh đèn sân khấu, Sáng Đèn còn khai thác nhiều câu chuyện phía sau cánh gà của những thành viên trong gánh hát Viễn Phương. Mỗi người có một nỗi niềm riêng, một câu chuyện riêng, có mong cầu và sự hi sinh của riêng mình. Tuy nhiên, họ đều hướng về một nơi - nơi mà họ xem là nhà, là gia đình cũng là nguồn sống.
Không chỉ có kép chính và đào chính, Viễn Phương là một gánh hát 2 thế hệ. Do đó, bộ phim đã khắc họa nhiều tuyến truyện khác nhau ngoài tuyến truyện chính lớn hơn và mang tính bao hàm. Những thanh thiếu niên lớn lên từ gánh hát; những người thầy, người cô truyền lửa nghề; những người mơ mộng, mong muốn được sống với niềm đam mê cải lương, sẵn sàng cam chịu cuộc sống nay đây mai đó; một ông bầu sẵn sàng bảo vệ cho các thành viên; tất cả những điều này đã tạo nên những mảnh ghép con người vô cùng đặc sắc trong Sáng Đèn.
Quyết định kể chuyện về từng nhân vật đã giúp Sáng Đèn khắc họa được linh hồn của gánh hát dưới những quang phổ cảm xúc, vừa sâu sắc, vừa lắng đọng và hài hước. Đồng thời, khán giả cũng cảm thấy như đang xem một cuốn phim truyền hình được đưa lên màn ảnh rộng.
Vừa hoài niệm, vừa trẻ trung
Sáng Đèn có thể là một bộ phim về cải lương, nhưng xét về bản chất vẫn là bộ môn nghệ thuật thứ bảy chú trọng ngôn ngữ rất riêng nếu so sánh với kịch nghệ. Đồng thời, bộ phim vẫn đủ khả năng kể một câu chuyện mang nhiều tầng ý nghĩa về bức chân dung của người nghệ sĩ cải lương. Dù giống như một bộ phim cổ tích thời đại, Sáng Đèn vẫn ẩn chứa tính hiện thực ở mức độ nhất định.
Bộ phim này sở hữu tông màu già dặn, phảng phất tính hoài niệm cùng một chút yếu tố trẻ trung. Hình ảnh của phim sắc nét, mang tính trau chuốt dù kỹ xảo đôi lúc chưa quá mượt mà. Có vẻ, phim đang hướng đến những khán giả lớn tuổi, hoặc ít nhất là những người có khái niệm về cải lương để thấu hiểu được những điều mà nhân vật trải qua. Phim ít khi nói thẳng, nhưng lại dựa vào góc nhìn của nhân vật để nhấn nhá, ngụ ý năm tháng vàng son của gánh hát đã dần lụi tàn, tạo nên một bức tranh về nỗi niềm của những người nghệ sĩ làm nghề vô cùng sống động.
Sáng Đèn có sự khác biệt với những bộ phim cải lương khác, bởi cải lương không phải là tâm điểm chính. Trọng tâm của phim là người nghệ sĩ, thành công đưa người xem đi từ những kỷ niệm vui vẻ nhất cho đến khoảng lặng nhói lòng.
Vào thời buổi ấy, vào nghề cải lương không dễ, bám nghề còn khó hơn. Những đêm hát không mang về được bao nhiêu, nhiều người đã lựa chọn từ bỏ. Chỉ có những người có tình yêu sâu sắc mới chịu khổ để bám trụ. Họ có cả những nghệ sĩ gạo cội và những người trẻ tuổi; với họ hạnh phúc nhất là được đứng trên sân khấu.
Nhiều con người, nhiều mảnh đời, nhiều số phận đã được Sáng Đèn miêu tả mộc mạc quá trình họ trở thành gia đình thân thiết như thế nào dù không chung huyết thống. Nghiệp đi hát tiêu tan, họ vẫn cùng nhau bám trụ bằng nhiều loại nghề, dù khổ nhưng lương thiện, hi vọng có thể được đứng trên sân khấu một lần nữa.
Đây là một tác phẩm êm ả trong từng nhịp điệu, ngay cả khi bộ phim bước vào giai đoạn gai góc nhất. Phim có nhiều lúc khá dàn trải, không sở hữu những góc máy quá đa dạng, chủ yếu vận dụng thủ thuật hồi tưởng truyền thông. Vì thế, Sáng Đèn khá đơn điệu nếu xét về mặt kỹ thuật.
Diễn xuất ấn tượng của dàn cast
Hầu hết những diễn viên của Sáng Đèn đều xuất thân từ sân khấu; do đó đài từ của họ đều đáp ứng tốt, có sự linh hoạt cao. Họ diễn mà cứ như không diễn. Bên cạnh những tên tuổi gạo cội bước ra từ sân khấu, cải lương như NSƯT Hữu Châu, NSƯT Lê Thiện, nghệ sĩ Chí Tâm hay NSND Hồng Vân, Cao Minh Đạt, Bạch Long, Kim Huyền,… Sáng Đèn còn có các diễn viên trẻ như Bạch Công Khanh, Trúc Mây,… cũng khiến người xem ấn tượng.
Dàn diễn viên chính của Sáng Đèn là Bạch Công Khanh, Cao Minh Đạt, Lê Phương, Trúc Mây - đây đều là những cái tên xa lạ trên màn ảnh rộng, bởi họ chủ yếu góp mặt trong những dự án phim truyền hình. Lối diễn của họ cũng mang tính kịch hơn điện ảnh, nhưng lại phù hợp một cách kỳ lạ trong Sáng Đèn. Có lẽ, bởi các nhân vật của họ đều là những nghệ sĩ cải lương, là những người sống bản năng và tình cảm, vì thế cách thể hiện cảm xúc hơi lố một chút cũng là bình thường.
Mỗi nhân vật đều rất hợp vai. Trong đó, Trúc Linh là con gái của kép chính trong đoàn, mẹ của cô từng bỏ mạng để cứu con gái trong một tai nạn trên sông. Cũng từ đây, cô luôn chịu áp lực vì cho rằng bản thân không xứng đáng với sự hi sinh của mẹ. Ngoài ra, Cảnh Thanh là một chàng kép phụ yêu nghề, không ngại khó ngại khổ miễn là được đứng trên sân khấu; nhưng lại là một người nhút nhát trong tình yêu. Kim Yến là nàng kép chính ‘quá lứa lỡ thì’, có nhiều tâm sự cả về tình yêu lẫn cuộc sống.
Có nhiều cảnh quay lấy đi nước mắt người xem nhất trong sáng đèn là nhân vật ông bầu của NSƯT Hữu Châu. Trong bối cảnh cải lương thoái trào, nhân vật này luôn mang gánh nặng từ lời dặn dò của cha, phải giữ gìn tên Viễn Phương kể từ thời hoàng kim. Ông khao khát được gắn bó với khán giả, được mọi người đón nhận. Nhân vật này giống như một người cha, vừa chăm lo kinh tế, vừa hòa giải mâu thuẫn của mọi người trong đoàn.
Ngoài ra, những nhân vật của Tuấn Dũng, NSND Hồng Vân, NSƯT Bạch Long, NSƯT Kim Tử Long… là những mảnh ghép không thể thiếu trong Sáng Đèn, góp phần tạo nên bức tranh muôn màu muôn vẻ về ngành nghệ thuật cải lương độc đáo.
Sáng Đèn lấy đề tài cải lương khá xa lạ với khán giả đại chúng, không có ngôi sao phòng vé nhưng vẫn thành công giúp người xem đồng cảm với từng nhân vật. Thực tế, điện ảnh Việt cần nhiều hơn các tác phẩm gần gũi, hiểu hơn về niềm đam mê, cái nghề, cái nghiệp của những nghệ sĩ thực thụ.