Tuyệt Đỉnh Kungfu là bộ phim chạm ngưỡng đỉnh cao trong sự nghiệp điện ảnh của Châu Tinh Trì. Mỗi hình ảnh, cảnh quay trong phim đều mang một thông điệp khác nhau. Tuyệt Đỉnh Kungfu không chỉ là phim hài mà nó tràn ngập biểu tượng, ẩn giấu các thông điệp sâu sắc mà càng phân tích ta lại càng khâm phục tài năng của “vua hài” Hồng Kông.
Tuyệt Đỉnh Kungfu: Không đơn giản chỉ là phim hài võ thuật
Thông tin phim
- Tên phim: Tuyệt Đỉnh Kungfu
- Tên gốc: 功夫 / Kung Fu Hustle
- Đạo diễn: Châu Tinh Trì
- Thể loại: Võ thuật, hài
- Kịch bản: Châu Tinh Trì, Tăng Cẩn Xương, Hoắc Hân, Trần Văn Cường
- Diễn Viên: Châu Tinh Trì, Nguyên Hoa, Nguyên Thu, Trần Quốc Khôn, Lương Tiểu Long, Huỳnh Thánh Y, Lâm Tử Thông, Thích Hành Vũ
- Năm công chiếu: 2004
Nguồn: Piece of the Action
Tuyệt Đỉnh Kungfu là một bộ phim võ thuật của Hồng Kông ra mắt khán giả vào năm 2004 do chính Châu Tinh Trì chịu trách nhiệm sản xuất, kiêm đạo diễn và diễn viên chính. Chỉ với kinh phí 20 triệu USD nhưng bộ phim đã đạt doanh thu 100 triệu USD. Đồng thời còn mang về cho Tinh gia vô số đề cử và giải thưởng danh giá, như: Phim hay nhất (giải thưởng điện ảnh Hồng Kông, Phim hay nhất và đạo diễn xuất sắc nhất tại giải thưởng Kim Mã Đài Loan).
Mục đích chính của Tuyệt Đỉnh Kungfu là vinh danh dòng phim Kungfu của Trung Quốc với người dẫn đầu là Lý Tiểu Long. Bên cạnh đó cũng tri ân tới tiểu thuyết võ hiệp, cụ thể là nhà văn Kim Dung. Trên thực tế, các tác phẩm của Kim Dung tiếp cận với người Trung Quốc rất chậm, thậm chí tiểu thuyết của ông còn phổ biến với người Việt Nam hơn người Trung Quốc đến mấy chục năm.
Những bài học sâu sắc trong Tuyệt Đỉnh Kungfu
Bất bình đẳng trong xã hội
Ở giai đoạn nào, quốc gia nào thì cũng có sự phân chia tầng lớp xã hội và sẽ không bao giờ có sự bình đẳng. Nhân vật chính A Tinh là một cậu bé mồ côi thuộc tầng lớp thấp hèn, nghèo đói. Cậu ta nhỏ bé đến nỗi không ai chơi cùng, thường xuyên bị đánh đập, bị bạn tè vào mặt, chịu đủ sự bất hạnh trên đời…
Điều này thể hiện rõ xã hội Trung Hoa thời bấy giờ, sự chênh lệch giàu nghèo, quyền lực khiến cho dân thường bất mãn, rơi vào bế tắc và luôn khao khát có cuộc sống tốt hơn dù phải trả giá bằng bất kỳ điều gì. Họ sẵn sàng đánh đổi mạng sống của bất kỳ ai, giết người, cướp bóc và chẳng có thời gian để mưu cầu một tình yêu tốt đẹp.
Nhưng đến cuối bộ phim Tuyệt Đỉnh Kungfu, dù sự bất bình đẳng về tầng lớp xã hội không thể thay đổi, nhưng ít nhất vị trí xã hội có thể thay đổi. Cuộc sống luôn có những bậc thang đi lên dành cho người quyết tâm, nỗ lực và bản lĩnh, không chấp nhận số phận.
Luôn khát vọng vươn lên
Phần đầu của Tuyệt Đỉnh Kungfu, cậu nhóc Tinh Tinh dường như bị lừa mua cuốn sách Như Lai Thần Chưởng, khiến cậu mơ tưởng trở thành một người hùng có võ nghệ cao cường để giúp đỡ mọi người. Cậu cũng ra sức bảo vệ một em gái câm dù bị đánh cho một trận nhừ tử. Dù lớn lên vẫn bị đánh đập nhưng cuối cùng cậu ta cũng được “đả thông kinh mạch” và trở thành người chiến thắng.
Có thể thấy, dù bị một tên bịp bợm bán cho một cuốn bí kíp đểu, nhưng niềm tin của cậu bé là thật. Vì vậy, hãy cứ mơ mộng và khao sát, dốc hết sức để theo đuổi mục tiêu của mình. Ắt hẳn quy luật vũ trụ sẽ giúp chúng ta đạt được những điều mình muốn.
Cao nhân tất hữu cao nhân trị
Tuyệt Đỉnh Kungfu cho khán giả thấy rằng đừng nên nhìn vẻ ngoài mà đánh giá người khác. Một bà lão, một thằng nhóc, một ông thợ cắt tóc, gã bán thịt… trong phim còn có sức mạnh hơn cả nhóm xã hội đen. Các cao thủ ẩn mình ở xóm trọ còn có võ công cao cường hơn cả trăm tên giang hồ. Họ đứng lên để bảo vệ người dân khu trọ. Nhân vật nổi bật nhất trong phim chắc hẳn là ông bà chủ trọ với tuyệt chiêu “Túy quyền” và “Sư tử hống”.
Trùm cuối của bộ phim lại càng khiến khán giả thấm thía câu nói “núi cao còn có núi cao hơn” khi hắn ta không hề có gương mặt hung tợn, cơ thể cường tráng mà chỉ là một ông già tầm thường đi đôi dép lào, mặc quần đùi áo ba lỗ. Nhưng người chiến thắng được lão ta lại là cậu bé Tinh Tinh bị chà đạp ngày nào. Thế mới nói “cao nhân ắt có cao nhân trị”.
Tình yêu không vượt qua được ngưỡng cửa đồng tiền
Tinh Tinh gặp lại cô gái năm xưa mình từng giúp, ở hoàn cảnh cậu đang “ăn quỵt tiền”, cô gái hẳn là cũng nhận ra hắn. Cậu ta chạy vội lên xe và ngoảnh lại cười đùa cô với thái độ diễu cợt, nhưng sâu trong đó là nụ cười chua cay tột cùng. Đau xót cho bản thân đã gặp được người mình thích nhưng lại trong bộ dạng tồi tệ nhất.
Lần thứ 2 gặp lại, vẫn ở tình cảnh không mấy sáng sủa, khi mặt đối mặt, cô gái câm đã xác nhận Tinh Tinh là người bạn năm xưa. Khi nhận ra ân nhân thuở nhỏ của mình, cô gái lặng lẽ rơi nước mắt. Cô để hắn cùng đồng bọn lấy hết số tiền ít ỏi của mình mà không hề phản kháng.
Cô gái đưa chiếc kẹo mút 7 màu cho cậu đã làm tràn về ký ức thuở xưa. Phân cảnh Tinh Tinh hất bể cây kẹo cho thấy giấc mơ ngày đó của hai người cũng đã tan tành. Nhưng cậu không thể che giấu nỗi ánh mắt xót xa, đượm buồn. Khán giả sẽ thấy tiếc cho thân phận của hai người khi không thể tiến tới tình yêu, nhưng một ngày nào đó khi cậu ta thành công, hẳn sẽ đi tìm lại tình yêu của cuộc đời mình.
Câu chuyện có phải chỉ là một giấc mơ?
Theo nhiều phân tích, Tuyệt Đỉnh Kungfu có thể chỉ là giấc mộng của cậu bé A Tinh - người đang bị bắt nạt và luôn ao ước trở thành cao thủ võ lâm, trừ gian diệt ác. Ở phân cảnh cuối, người qua đường chính là các nhân vật đã xuất hiện xuyên suốt bộ phim: Vợ chồng ông bà Bao Tô đang đi dạo trên phố; Anh chàng cắt tóc và A Trân đang hẹn hò; Hỏa Vân Tà Thần là người điều khiển giao thông… Có lẽ Tinh Tinh vẫn chưa lớn và đây chỉ là câu chuyện mà cậu tưởng tượng ra để khỏa lấp khát vọng mãnh liệt của mình.
Thứ làm cho Tuyệt Đỉnh Kungfu xuất sắc chính là ở những triết lý ngầm như vậy. Bộ phim cũng giống như tiểu thuyết Kim Dung, làm thỏa mãn nhu cầu của mọi người xem: Kẻ hời hợt thì thấy náo nhiệt, người sâu sắc sẽ ngộ được đạo lý.