Lật Mặt 7 (2024)
Đánh Giá Của Bạn
Lật Mặt 7: Hành động gay cấn, nội dung lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả

Lật Mặt 7: Một Điều Ước của Lý Hải dù tách khỏi quỹ đạo hài - hành động vốn quen thuộc với những phần trước, nhưng bộ phim vẫn ghi nhận thành công đáng kể về mặt cảm xúc.

Lật Mặt 7: Hành động gay cấn, nội dung lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả

Mít Mật, 11:39 04/05/2024

Thông tin phim Lật Mặt 7

  • Thể loại: Gia đình, Tâm lý
  • Đạo diễn: Lý Hải
  • Diễn viên: Thanh Hiền, Trương Minh Cường, Đinh Y Nhung, Quách Ngọc Tuyên, Trâm Anh, Trần Kim Hải,...
  • Thời lượng: 138 phút
  • Ngày công chiếu: 26/04/2024

Nguồn: Ly Hai Production

Bộ phim Lật Mặt 7: Một Điều Ước của Lý Hải đã chính thức được ra mắt trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Khác với những phần phim trước, vị đạo diễn tài ba lần này đã mang đến cho người xem những thước phim sống động về một đại gia đình.

Cụ thể, Lật Mặt 7 là câu chuyện về tình mẫu tử và tình cảm gia đình thiêng liêng. Chồng bà Hai (nghệ sĩ Thanh Hiền) mất sớm, bà một mình nuôi lớn đàn con thơ ở ngôi nhà cũ. Bà dành hết tình cảm và tình yêu thương cho các con, chỉ mong chúng có thể trưởng thành và hạnh phúc. Những thước phim đan xen giữa quá khứ và hiện tại khiến người xem không khỏi thổn thức.

Lật Mặt 7 là câu chuyện về tình mẫu tử và tình cảm gia đình thiêng liêng
Lật Mặt 7 là câu chuyện về tình mẫu tử và tình cảm gia đình thiêng liêng

Dù đã 73 tuổi, bà Hai vẫn tự mình trồng trọt và buôn bán hoa bất tử ở làng K’long K’lanh (Lâm Đồng). Suốt hơn 30 năm, một mình bà nuôi nấng 5 người con bao gồm Hai Khôn (Trương Minh Cương), Ba Lành (Đinh Y Nhung), Tư Hậu (Quách Ngọc Tuyên), Năm Thảo (Trâm Anh) cùng với Sáu Tâm (Trần Kim Hải).

Hiện tại, bà Hai đang sống cùng Ba Lành, sau đó tai ương bất ngờ ập đến khiến bà gãy chân, cần phải có người túc trực, trông nom 24/7 nhưng con gái Ba Lành lại phải cấp cứu phẫu thuật. Vì thế, Ba Lành đã nhờ đến các anh em giúp đỡ, nhưng ai cũng có gia đình và công việc riêng. Sự ngần ngại của từng người và loạt lý do bất khả kháng mà họ đưa ra khiến cho tagline của phim “Trách nhiệm thuộc về ai?” càng thêm chua xót. 

Bộ phim ‘dị biệt’ so với những phần trước

Có lý do để Lật Mặt 7: Một Điều Ước không drama và hành động, máu me hoặc có những màn cãi vã ‘chợ búa’. Sau 138 phút theo dõi phim, nhiều khán giả có thể sụt sùi vì thương nhớ cha mẹ, vì tình yêu gia đình bỗng nhiên trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, họ cũng hiểu được rằng hóa ra Lý Hải đến bây giờ mới cảm thấy trọn vẹn. Bởi đến phần 7 này, anh mới có thể làm ra tác phẩm dành tặng cho những khán giả đặc biệt nhất đời mình, đó là gia đình. Đây là bộ phim mà mẹ của anh, vợ con anh, người thân nhiều thế hệ của anh có thể ngồi chung một chỗ để thưởng thức cho đến tận phút giây cuối cùng. 

Chẳng ai trong Lật Mặt 7 là phản diện hay người xấu, nhưng cũng không có ai trong sạch hoàn toàn
Chẳng ai trong Lật Mặt 7 là phản diện hay người xấu, nhưng cũng không có ai trong sạch hoàn toàn

Ngay từ đầu, Lật Mặt 7: Một Điều Ước đã được coi là ‘đứa con út dị biệt’ trong chuỗi phim Lật Mặt. Bộ phim có những lần đầu tiên đáng chú ý, như lần đầu tiên không có cảnh hành động hay cháy nổ, lần đầu tiên nhân vật chính là nữ (còn là nhân vật đã già). Đây cũng là phần phim có nhiều diễn viên tham gia nhất lên đến 50 người. Ít nhiều Lý Hải vẫn bị áp lực với việc tạo nên một kịch bản đủ sức nặng, chạm đến trái tim người xem nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng điện ảnh. 

Lý Hải đã thành công mang đến Lật Mặt 7: Một Điều Ước sự dân dã và chân thành. Đây chính là cốt lõi trong quá trình làm phim cũng như làm nghề của vị đạo diễn này suốt nhiều năm. Tác phẩm mới nhất này chứa đựng câu chuyện về tình mẹ và tình thân - chủ đề tưởng chừng đã quá đơn giản và được khai thác quá nhiều. Chẳng ai trong Lật Mặt 7 là phản diện hay người xấu, nhưng cũng không có ai trong sạch hoàn toàn. Họ đều là vì bản thân quá nhiều nên quên hết xung quanh, quên mất mình vẫn còn một người mẹ già vẫn ngày ngày trông ngóng.

Việc lựa chọn nghệ sĩ gạo cội Thanh Hiền cho vai nữ chính thể hiện sự thấu hiểu của Lý Hải với câu chuyện mà mình viết ra
Việc lựa chọn nghệ sĩ gạo cội Thanh Hiền cho vai nữ chính thể hiện sự thấu hiểu của Lý Hải với câu chuyện mà mình viết ra

Việc lựa chọn nghệ sĩ gạo cội Thanh Hiền cho vai nữ chính thể hiện sự thấu hiểu của Lý Hải với câu chuyện mà mình viết ra. Từ trước đến nay, nghệ sĩ Thanh Hiền có lỗi diễn nhẹ nhàng và chân thực, vì thế nhân vật bà Hai cũng nhanh chóng trở thành điểm sáng, cũng là ‘nhịp tim’ của bộ phim. Ngoài ra, 5 người con của các diễn viên Trương Minh Cường, Đinh Y Nhung, Quách Ngọc Tuyên, Trâm Anh và Kim Hải đều làm chủ được mỗi phân đoạn của mình, không ai bị tụt lại phía sau. Mỗi người một tính cách, ở một nơi khác nhau nhưng lại có sự kết nối đến lạ thường, thể hiện bằng tình yêu mẹ và nhịp đập chung của lòng tốt.

Dàn diễn viên của Lật Mặt 7 lên đến 50 người, mỗi cái tên dù chỉ là vai cameo cũng được Lý Hải cho tỏa sáng, được khán giả ghi nhớ. Thậm chí, những đứa cháu hồn nhiên, đáng yêu của bà Hai cũng được các sao nhí diễn cực hay, biết cách nhấn nhá câu chữ, khóc vô cùng chân thật. Lý Hải cũng không ngại vào vai ‘đáng ghét’ nhất sự nghiệp nhưng không bị dễ quên.

Lý Hải cũng không ngại vào vai ‘đáng ghét’ nhất sự nghiệp nhưng không bị dễ quên
Lý Hải cũng không ngại vào vai ‘đáng ghét’ nhất sự nghiệp nhưng không bị dễ quên

Thông điệp vô cùng ý nghĩa về gia đình

Cứ ngỡ mâu thuẫn giữa 5 người con của bà Hai sẽ được đẩy lên đỉnh điểm hoặc nhiều plot twist chồng chéo như các phần phim trước, nhưng Lý Hải đã có một cách xử lý đúng với hứa hẹn của mình về một bộ phim “chữa lành”. Yếu tố “lật mặt” của phần mới nhất này dường như nằm ở việc thương hiệu đã khoác lên mình một “chiếc áo” đậm tính xã hội và đầy thông điệp nhân văn.

Khán giả dễ dàng thấy được một Lý Hải sâu lắng, tinh tế, cảm xúc. Năm người con cùng nhau rước bà Hai về để chăm sóc mỗi tuần. Bà Hai dù là người được chăm nom nhưng lại là cứu tính cho hạnh phúc của từng gia đình nhỏ. Từ trước đến nay, bà Hai vẫn là trung tâm để mọi khó khăn và khổ cực đổ dồn về. Bà vẫn luôn là người mẹ và người bà che chở cho con cháu.

Yếu tố “lật mặt” của phần mới nhất này dường như nằm ở việc thương hiệu đã khoác lên mình một “chiếc áo” đậm tính xã hội và đầy thông điệp nhân văn
Yếu tố “lật mặt” của phần mới nhất này dường như nằm ở việc thương hiệu đã khoác lên mình một “chiếc áo” đậm tính xã hội và đầy thông điệp nhân văn

Lật Mặt 7 là câu chuyện dàn trải với nhiều nhân vật và nhiều khía cạnh, mỗi người đều có áp lực riêng nhưng không có gì có thể làm lu mờ tình yêu thương mà bà Hai dành cho gia đình. 

Đặc biệt, Lật Mặt 7 còn ghi điểm với khung cảnh ở làng K’long K’lanh (nằm giữa Nha Trang và Đà Lạt). Ngôi nhà của bà Hai được xây dựng theo kiến trúc của người dân bản địa, chủ yếu làm bằng gỗ và mái tôn, có nơi chất củi sưởi ấm nơi vùng cao. Đàn làm phim còn xây dựng một bếp lửa, trồng một cánh đồng hoa bất tử suốt nhiều tháng.

Khán giả như được ghé thăm vùng biển Ninh Thuận đầy nắng và gió, được tham gia lễ hội Nghinh Ông truyền thống của ngư dân. Theo chân bà Hai, khán giả lại đến với cái lạnh của Đà Lạt, đến thăm núi đồi và rồi về với Sài Gòn nhộn nhịp. Màu phim có tông vàng đầy hoài niệm, xanh bình yên và khung cảnh thiên nhiên đẹp nên thơ khiến khán giả không thể rời mắt.

Ngôi nhà của bà Hai được xây dựng theo kiến trúc của người dân bản địa, chủ yếu làm bằng gỗ và mái tôn, có nơi chất củi sưởi ấm nơi vùng cao
Ngôi nhà của bà Hai được xây dựng theo kiến trúc của người dân bản địa, chủ yếu làm bằng gỗ và mái tôn, có nơi chất củi sưởi ấm nơi vùng cao

Tuy nhiên, điểm trừ của phim ở chỗ vẫn có một số câu thoại nặng tính sách vở, dông dài như học thuộc lòng. Kỹ xảo của phim cũng có hạn chế nhất định, khiến trải nghiệm về thị giác của khán giả bị gián đoạn.

Nói chung, Lật Mặt 7 thành công trong việc khai thác một cách đa chiều hoàn cảnh trớ trêu của từng gia đình, nhưng chưa trọn vẹn về mặt cảm xúc. Chia đều ra, mỗi chuyện gia đình sẽ có khoảng 15-20 phút thời lượng. Các vấn đề được khắc họa nghiêm trọng quá mức cần thiết, rồi lại không có thời gian để xử trí triệt để, chỉ được xử lý qua một vài lời nói.

Thế nhưng, đây vẫn là một tác phẩm chỉn chu, phần nào chạm đến tâm trí người xem bằng một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử, về “chữ hiếu” và “chữ tình” trong bối cảnh con người phải đối mặt với guồng quay của “cơm áo gạo tiền”.

Bài khác