Cuộc đời Đức Phật (Sidhartha Gautama): Chuyển thể từ tác phẩm kinh điển của thầy Thích Nhất Hạnh
Thông tin phim Cuộc đời Đức Phật
- Tên phim: Cuộc đời Đức Phật
- Tiếng Anh: Sidhartha Gautama
- Đạo diễn: Saman Weeraman
- Dựa trên tác phẩm: Đường Xưa Mây Trắng của thầy Thích Nhất Hạnh
- Diễn viên chính: Gagan Malik, Anchal Singh, Ranjan Ramanayake, Gautam Gulati
- Ngày phát hành: 24/1/2013
- Số tập: 55
- Thời gian mỗi tập: 115 phút
Nội dung phim Cuộc đời Đức Phật
Đức Phật Thích Ca đã xuất hiện từ hơn 2637 năm trước. Sự giác ngộ của Ngài đã khai sinh ra đạo Phật - một tôn giáo nhân bản và minh triết. Ngài đã từ bỏ cơ hội làm vua, bỏ lại cung vàng điện ngọc để tìm cầu chân lý và phát hiện con đường Trung đạo, từng bước trở thành bậc Giác Ngộ đầu tiên trong lịch sử của nhân loại.
Sinh ra năm 624 TTL tại vườn Lâm-tỳ-ni, Ngài được đặt tên là Sĩ-đạt-đa (Siddhartha), có nghĩa là “hoàn thành ước nguyện”. Theo các nhà tiên tri lỗi lạc thời bấy giờ, họ tiên đoán rằng Thái tử sẽ trở thành vị Chuyển luân thánh vương trong tương lai. Tuy nhiên, nhà tiên tri A-tư-đà lại khẳng định, Thái tử sau này sẽ trở thành Pháp vương và là bậc Giác Ngộ tuyệt đối.
Để hoàn thành ước nguyện vua cha, thái tử quyết định sánh duyên cùng công chúa Da-du-đà-la (Yasodhara) - con gái vua Thiện Giác. Thế nhưng, ước vọng tìm cầu chân lý vẫn tiếp tục thôi thúc Thái tử. Trong khoảng thời gian vi hành qua 4 cửa thành, Ngài đã tận mắt chứng kiến cảnh già, bệnh, chết giống như một quy luật tất yếu của cuộc đời. Do đó, Ngài quyết định tìm kiếm con đường để chấm dứt khổ đau. Sau 6 năm tu tập, Ngài đã trở thành Phật.
Chuyển thể từ tác phẩm kinh điển của thiền sư Việt
Mỗi người chúng ta đã quen nhìn thấy Phật cao cao tại thượng ở trên tòa sen sơn son thếp vàng, nhiều khi chúng ta thường thấy Phật rất gần, nhưng lại cũng rất xa. Không đến được với Phật nguyên thủy khiến mê tín dị đoan có cơ hội phát triển và sinh sôi. Không được gần gũi với Phật, con người không thấy được Phật đồng cảm với nỗi đau của mỗi người, làm sao có thể chuyển hóa được khổ đau?
May mắn thay, Việt Nam có một vị thiền sư đã dành cả cuộc đời để đưa Đức Phật đến gần hơn với con người. Thầy Thích Nhất Hạnh không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn cả nước ngoài, được biết đến với loạt sách thiền và Phật pháp có thể ứng dụng cho mọi tầng lớp như: Giận, Tĩnh lặng, Không diệt không sinh đừng sợ hãi, Quyền lực đích thực…
Trong đó, mỗi khi nhắc đến thầy Thích Nhất Hạnh, mọi người sẽ nghĩ đến ngay “Đường xưa mây trắng” - một tác phẩm kinh điển và đồ sộ, viết về cuộc đời Đức Phật từ đản sanh cho đến ngày nhập niết bàn.
Đường Xưa Mây Trắng là cuốn sách kể về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca dưới góc nhìn của chú bé chăn trâu Svasti, sau xuất gia đã trở thành một vị đệ tử của Phật. Đó là chú bé đã cúng dường cỏ bồ đề cho sa môn Tất Đạt Đa tĩnh tọa suốt 49 ngày trước khi thành đạo.
Năm 1988, Đường Xưa Mây Trắng bản tiếng Việt chính thức đến với bạn đọc, hiện tác phẩm này đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất tại châu Âu, Bắc Mỹ cùng với nhiều quốc gia châu Á khác.
Trong bài giới nhiều những cuốn sách hàng đầu của thế kỷ 20, nhà phê bình Paul Williams (Mỹ) dã kể tên Đường Xưa Mây Trắng vào hàng thứ 12 trong số 40 cuốn. Nhà phê bình này viết: “Xuyên suốt tác phẩm là một thiên anh hùng ca, bày tỏ lòng ngưỡng mộ chân thành trước lối sống đầy hành vi và mục đích cao cả. Đọc xong cuốn sách này, tôi cảm thấy bản thân bị thu hút mãnh liệt bởi nhân cách vô cùng vĩ đại của Đức Phật…”
Để có cái nhìn và cảm nhận chân thực hơn, Đường Xưa Mây Trắng đã được chuyển thể thành phim Cuộc đời Đức Phật (Sidhartha Gautama hay Gautama Buddha) của Ấn Độ, bao gồm 55 tập. Bộ phim này được đầu tư hết sức công phu, chất lượng, được tỷ phú người Ấn Độ B.K. Modi “rót” hơn 120 triệu USD để thực hiện.
Chưa bao giờ được tiếp cận một Đức Phật “đời” đến thế
Đương nhiên, bộ phim Cuộc đời Đức Phật không chỉ là toàn cảnh Đức Phật chỉ ngồi đọc kinh giảng pháp. Bộ phim này hướng đến đối tượng đại chúng, thu hút bởi dàn diễn viên đẹp, diễn xuất tốt.
Bối cảnh phim không được đầu tư quá nhiều, bù lại Cuộc đời Đức Phật lại có những cảnh quay đẹp, sự đầu tư tỉ mỉ cho trang phục và đạo cụ. Những cô cậu bé từng trải qua thời ấu thơ với Aladin cùng chiếc quần phồng Alibaba trắng đậm mùi cổ tích Ba Tư, bộ phim Cuộc đời Đức Phật còn có nhiều hơn thế. Bộ phim có âm nhạc truyền thống Ấn Độ, điểm đặc trưng không thể thiếu trong những bộ phim của Bollywood. Nếu chị em thích cung đấu, Cuộc đời Đức Phật cũng có vô vàn âm mưu thâm sâu hiểm độc, mang đến những cao trào đầy hồi hộp và thú vị.
Xét về mặt giá trị, Cuộc đời Đức Phật tôn trọng tư tưởng của thầy Thích Nhất Hạnh đã nêu cao trong Đường Xưa Mây Trắng. Bộ phim không xây dựng hình tượng Đức Phật Thích Ca theo hướng vĩ nhân thần thông quảng đại mà khắc họa rõ nét những khó khăn mà Ngài gặp phải trong cuộc sống hàng ngày, trong xã hội và quá trình tu tập, hành pháp.
Có lẽ, chưa bao giờ người xem có thể tiếp cận một Đức Phật “đời” đến thế. Thậm chí, khán giả còn cảm thấy bản thân có đôi nét đồng cảm với Đức Phật: Một đứa trẻ sinh ra có thiên phú là tấm lòng từ bi nhưng lại bị nuôi dạy để trở thành một chiến sĩ; Một đứa trẻ ưng văn nhưng lại bị ép phải học võ; Một người cha mù quáng vì con trai của mình và một người mẹ kế bị miệng lưỡi nhân gian xúc xiểm, xúi giục mà phải bỏ đi đứa con ruột thịt mang nặng đẻ đau; Một đứa trẻ vốn sáng sủa hoạt bát lại lớn lên tăm tối và xấu xa chỉ vì ganh tị…
Cũng giống như tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng, Cuộc đời Đức Phật không phải là một bộ phim có thể xem vội vã. Mỗi phân cảnh đều ẩn chứa những bài học khác nhau, lồng ghép khéo léo những giáo lý Phật pháp căn bản, đồng thời giải đáp một số vấn đề cơ bản nhất về tu hành nói chung cũng như Phật pháp nói riêng.