Khán giả nghẹn ngào khi xem phim về ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính liền Việt - Đức
'Dearest Viet' - phim tài liệu về Nguyễn Đức, một trong hai anh em sinh đôi dính liền được phẫu thuật tách rời cách đây 35 năm, đã ra mắt vào tối ngày 8/4.
Đây là buổi công chiếu của Dearest Viet (Doku) tại Việt Nam, trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Quốc tế TP HCM. Với thời lượng hơn 70 phút trình chiếu trong không gian Nhà hát Thành phố, những tiếng nấc, tiếng khó vọng lại từ nhiều góc dưới hàng ghế khán giả.
Khi cảnh phim cuối cùng vừa khép lại, 200 khán giả vỗ tay không ngớt. Xuyên suốt buổi giao lưu sau đó, hàng loạt tràng vỗ tay cứ nối tiếp vang lên, tán thưởng nhân vật chính cùng ekip sản xuất.
Dự án phim tài liệu do Kohei Kawabata đạo diễn và Yoshie Ruth Linton là nhà sản xuất. Bộ phim tái hiện cuộc sống của anh Đức sau 35 năm mổ tích với người anh song sinh tên Việt. Những thước phim tư liệu về ca mổ tách đôi đình đám vào năm 1988 cũng được tái hiện.
Khi lên sân khấu chia sẻ về bộ phim, anh Nguyễn Đức - nhân vật chính của dự án và là người em trong cặp song sinh Việt - Đức được thực hiện ca mổ tách rời vào năm 1988 đã không kìm được cảm xúc nghẹn ngào.
Nói về bộ phim của cuộc đời mình, anh Nguyễn Đức khẳng định bộ phim đã tái hiện rõ ràng và chân thật nhất về bản thân anh.
"Thậm chí là thật nhất trong từng tình tiết cũng như phóng sự về tôi. Tôi không phải là người tầm thường vì tôi đã chịu đau rất nhiều.
Sau ca mổ năm 1988 thì sau đó tôi còn có thêm rất nhiều ca mổ mà không ai biết, chỉ có má Phượng là người biết và má động viên tôi cố gắng. Đau lắm nhưng tôi vẫn cố gắng vì hai hai yếu tố.
Thứ nhất là vì anh hai Việt của tôi. Thứ hai là tôi muốn sống và muốn thấy con của mình trưởng thành, thành đạt và trở thành một người có ích cho xã hội" – Anh Đức nghẹn ngào.
Dearest Viet đã cho khán giả nhìn thấy một Nguyễn Đức luôn lạc quan vui vẻ, hoạt bát và xen lẫn niềm hạnh phúc bên những đứa con của mình dù anh luôn phải chịu đựng nhiều cơn đau do bệnh tật để lại.
Là bố của hai người con sinh đôi, người đàn ông trụ cột trong gia đình, Nguyễn Đức chưa từng để bản thân mình buông xuôi vì anh hiểu rõ mình có được mọi thứ là nhờ rất nhiều người khác và từ anh trai Việt của mình.
Nguyễn Đức cho biết, Dearest Vie là một món quà để dành tặng cho người anh hai Việt đã qua đời vào năm 2007.
"Anh đã hi sinh để em có được như ngày hôm nay. Em đã cố gắng sống tốt để làm tròn trách nhiệm của mình và tận hưởng những gì anh chưa tận hưởng được. Em rất thương và luôn nghĩ về anh" - Anh bày tỏ trong phim.
Buổi giao lưu còn có sự góp mặt của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, người trực tiếp tham gia ca mổ 17 tiếng từng tạo nên dấu ấn lớn trong lịch sử y học Việt cách đây 35 năm.
"Má Phượng đã cứu tôi. Chính má là người đã đón nhận cũng như khắt khe dạy dỗ tôi. Tôi cũng gắng sống thật tốt hết sức có thể để làm sao không phụ lòng những người đã cùng má cứu mình sống đến ngày hôm nay" - Anh Đức nói về người phụ nữ đặc biệt nhất trong cuộc đời mình khiến cả khán phòng càng thêm lắng đọng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng là người trực tiếp chăm sóc cho anh em Việt – Đức trước và sau khi ca mô tách năm 1988.
Tại buổi giao lưu, bà Phượng chia sẻ, dù Đức đã 43 tuổi nhưng bà vẫn luôn gọi là “bé Đức” như hồi bà còn bế anh trên tay, đưa hai anh em qua Nhật Bản điều trị rồi lại đưa cả hai trở về.
"Bởi vì lúc đó, Đức cũng muốn mổ tách khỏi Việt, bởi vì nếu để như vậy thì con không sống được.
Tôi cũng tác động vào Sở y tế cũng như chính quyền cho phép mổ. Bởi vì nếu không mổ Đức sẽ mãi sống chung và lệ thuộc hoài vào Việt, không phát triển được. Tôi nghĩ việc nhân văn nhất là tách hai cháu ra” – Bà Phượng cho hay.
Theo chia sẻ từ bà Phượng, cuộc mổ tách không chỉ thành công về mặt kỹ thuật mà còn thành công lớn về giá trị nhân văn, đem lại cho con người cuộc sống tương đối bình thường.
"Tôi rất thương Đức, từ hồi mổ đến giờ Đức đã cố gắng nhiều lắm. Nó học cũng tốt lắm, nói tiếng Nhật cũng giỏi và nó cũng làm nhiều việc thiện nguyện giúp cho xã hội rất nhiều" - Bà Phượng bày tỏ.
Đạo diễn Kohei Kawabata cùng ê-kíp sản xuất Dearest Viet cũng nhiều lần rơi nước mắt tại buổi giao lưu khi nghe nội dung cuộc trò chuyện thông qua phiên dịch viên.
Ông Kohei Kawabata cho biết, bộ phim là món quà đền đáp những người hỗ trợ trong suốt quá trình Nguyễn Đức phẫu thuật và chiến đấu bệnh tật. Đạo diễn cũng mong khán giả cảm nhận được cuộc sống của Nguyễn Đức để thấy nỗi đau của chiến tranh, chất độc da cam vẫn còn đâu đó.
Đôi song sinh Việt - Đức chào đời tại Sa Thầy, Kon Tum vào ngày 25/2/1981 trong tình trạng dính liền vùng bụng chậu, chung đôi chân. Cả hai nhiễm chất độc da cam, bị gia đình bỏ lại trạm xá xã.
Ngày 4/10/1988 tại Bệnh viện Nhi đồng 2, ê-kíp gồm các bác sĩ Trần Đông A, Trần Thành Trai, Văn Tần, Nguyễn Thị Ngọc Phượng cùng nhiều bác sĩ khác đã mổ tách rời cặp song sinh Việt - Đức.
Vào thời điểm bấy giờ, đây là ca mổ tách trẻ dính liền thành công đầu tiên tại Việt Nam và là ca thứ 7 trên thế giới. Ca mổ tạo nên dấu ấn lớn trong lịch sử y học Việt, ghi danh vào sách kỷ lục Guinness.
Sau ca mổ, Việt sống đời thực vật 19 năm với sự chăm sóc của các y bác sĩ Làng Hòa Bình ở Bệnh viện Từ Dũ. Năm 2007, Việt qua đời do viêm phổi, xuất huyết đường tiểu và suy thận.
Nguyễn Đức lớn lên lập gia đình, có 2 con gồm 1 trai, 1 gái.
Hiện anh là Đại sứ hòa bình Việt Nam tại Nhật, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hữu nghị Việt - Nhật tại TPHCM. Anh còn sáng lập kiêm giám đốc tổ chức phi lợi nhuận NPO Duc Nihon - Vì một thế giới đẹp tươi.