Đi Về Phía Lửa: Phim Việt đề tài lính cứu hỏa cực hay, không thể không xem
Khai thác chuyện đời, chuyện nghề lính cứu hỏa
Nguồn: KPLUS CINEMA
Đi Về Phía Lửa là bộ phim dài 10 tập, được phát sóng vào 20h thứ 2 và thứ 3 hàng tuần trên kênh K+ Cine từ ngày 12/2. Tác phẩm này được coi là tham vọng tiếp theo của kênh Truyền hình K+ sau thành công của cú hit Tết Ở Làng Địa Ngục với mong muốn làm ra những series gắn mác K+ORIGINAL cùng tiêu chuẩn ‘điện ảnh’ và tiệm cận thế giới.
Thực tế, chuyện đời và chuyện nghề của người lính cứu hỏa từ trước đến nay vẫn là đề tài khá mới mẻ với ngành phim Việt. Nguyên nhân bởi, đây là kiểu phim về đặc thù nghề nghiệp, dễ dàng bị sai sót trong chi tiết kịch bản. Việc khắc họa những vụ cháy nổ, những cảnh cứu hộ và cứu nạn không hề đơn giản, lại tốn kém chi phí. Vì thế, Đi Về Phía Lửa là một trong những bộ phim Việt hiếm hoi mạo hiểm khai thác về chủ đề ‘khó nhằn’ này.
Đi Về Phía Lửa được ‘cầm trịch’ bởi đạo diễn Trần Thanh Huy - cái tên làm lên bộ phim Ròm gây sốt một thời, quy tụ nhiều diễn viên trẻ nổi tiếng hiện nay như Lãnh Thanh, Xuân Phúc, Hồ Thu Anh, Trần Ngọc Vàng… Ngay từ những tập đầu, bộ phim đã nhận về nhiều phản ứng tích cực, thành công khơi nguồn cảm xúc về công việc cứu hỏa, cứu hộ và cứu nạn.
Kịch bản giàu cảm xúc, bối cảnh chỉn chu
Bộ phim Đi Về Phía Lửa mở đầu bằng một trận hỏa hoạn, đội của Đức Anh (Lãnh Thanh) phải giải cứu một người phụ nữ trung niên ngồi xe lăn, không thể tự mình thoát ra đám cháy. Tác phẩm từ những phút đầu tiên đã làm khá tốt việc tái hiện khung cảnh hỏa hoạn và cứu nạn. Ekip đã sử dụng lửa thật cho những phân cảnh đặc biệt này thay vì dùng kỹ xảo, khiến thước phim càng thêm chân thực, dễ dàng hơn trong việc thuyết phục khán giả.
Chưa kể, những phân cảnh đu dây cáp qua suối chảy xiết, cứu hộ trong rừng, cứu người chết đuối hay cứu hỏa nơi chung cư… đều được dàn dựng công phu và chỉn chu. Khán giả dễ dàng nhận ra nhiều góc máy đặc tả các chi tiết có liên quan đến cứu hộ, cứu nạn như bình oxy, các trang thiết bị đặc biệt, thao tác vượt suối, đu dây, hô hấp nhân tạo… Nói chung, bộ phim đã làm khá tốt việc phục dựng bối cảnh, mang đến phần nhìn chân thực cho người xem, từ đó dẫn dắt khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Điều đáng nói, bên cạnh đời tư và cuộc sống của các nhân vật chính là đội lính cứu hỏa, tuyến nhân vật nạn nhân và người nhà của họ cũng rất thú vị. Khán giả được trải nghiệm các câu chuyện giàu cảm xúc, những khoảnh khắc mà con người đối diện với bờ vực sinh tử. Ví dụ, trong tập phim có phân cảnh cháy chung cư cũ, hai đứa trẻ phải tự bảo vệ lẫn nhau, người anh vẫn còn ít tuổi đã biết cách an ủi, bảo vệ, nhường sự sống cho người em. Khoảnh khắc người bố trở về, đối diện cùng cậu con trai lớn không còn hơi thở khiến các lính cứu hỏa chết lặng, người xem nghẹn ngào. Đặc biệt khi Đức Anh cũng là người từng mất anh trai, cảm xúc càng bị đẩy lên đỉnh điểm khi Toàn Thắng (Xuân Phúc) nghe điện thoại của con gái nhỏ và phải hát cho con nghe giữa bầu không khí tang thương.
Thiết lập nhân vật gần gũi, diễn xuất thực lực
Đi Về Phía Lửa còn có một điểm sáng khác, đó là các nhân vật không được ‘anh hùng hóa’, họ vô cùng gần gũi với những câu chuyện xoay quanh cuộc sống thường ngày. Toàn Thắng dù là có tiếng nói nhất nhì đơn vị, giỏi kỹ năng nhiệm vụ và hết lòng với công việc chung nhưng lại chẳng thể chu toàn việc nhà. Hai lần vợ sinh nở, anh đều không thể ở bên kề cận, thế nên mâu thuẫn gia đình ngày càng nhiều. Mẹ vợ liên tục chì chiết, chỉ muốn anh nghỉ việc. Người vợ dù hiểu chuyện cũng không thể một mình gánh vác gia đình. Cô cũng mong muốn chồng sẽ chuyển công tác, làm công việc khác để có nhiều thời gian bên vợ con, không gặp nguy hiểm tính mạng.
Trong khi đó, Đức Anh lại là một chàng trai trầm tính, khó dung hòa được với bố mình - người từng muốn anh nối nghiệp gia đình. Anh vô cùng ám ảnh về cái chết của anh trai, nên khi cứu 2 anh em gặp hỏa hoạn, Đức Anh suýt gục ngã vì cảm giác tâm trí bị bóp nghẹt. Ngoài ra, mối quan hệ đáng yêu giữa Đức Anh và bạn cũ - nữ bác sĩ Hồng Ngọc cũng được đan xen khéo léo. Mối quan hệ cả 2 phát triển nhẹ nhàng, không ảnh hưởng đến mạch phim chính.
Thanh Hà (Hồ Thu Anh) là bạn cùng lứa với Đức Anh, cũng là bóng hồng duy nhất trong đơn vị. Cô là một người mạnh mẽ, cá tính và yêu nghề, dù là con nhà nòi nhưng lại liên tục bị mẹ bắt nghỉ việc. Bà không muốn con gái nối nghiệp bố theo nghề vất vả, nguy hiểm này. Thanh Hà còn gặp rắc rối với những câu chuyện đời thường như bị mẹ giục kết hôn hay ép đi xem mắt.
Mảnh ghép cuối cùng là ‘em út’ Minh Long (Trần Ngọc Vàng) - một chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết, được mẹ ủng hộ hết mình trong công việc. Mối quan hệ đáng yêu của cặp chị em Thanh Hà - Minh Long cũng khiến Đi Về Phía Lửa thêm thú vị và sức hút.
Nói chung, họ cũng chỉ là những con người bình thường, có gánh nặng gia đình, trải qua nhiều cảm xúc của cuộc sống, cố gắng dung hòa giữa công việc và gia đình. Điều này đã được lột tả ấn tượng qua diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên. Hai cái tên Lãnh Thanh và Trần Ngọc Vàng đã thể hiện được sự tiến bộ rõ rệt trong lần trở lại này. Trong khi đó, Hồ Thu Anh dù đôi chỗ thoại còn gượng, nhưng nói chung nữ diễn viên vẫn thể hiện tốt sự cá tính, sắc sảo của nhân vật Thanh Hà.
Đặc biệt, nam diễn viên Xuân Phúc là điểm sáng diễn xuất của phim khi thể hiện rõ ràng 2 màu sắc của nhân vật Toàn Thắng, khi là một chiến sĩ gan dạ và quả cảm, lúc lại là người chồng thương vợ, người cha ấm áp, người con rể cam chịu trước những lời trách móc của mẹ vợ. Sự cắn rứt và đấu tranh nội tâm của Toàn Thắng khi bị ép phải thay đổi công việc cũng khiến khán giả xúc động.
Dễ dàng thấy được, với câu thoại chỉn chu, cảnh quay chân thực, diễn xuất của các diễn viên như được khoác lên mình tấm áo mới khi so sánh với dòng phim truyền hình hiện giờ, Đi Về Phía Lửa đã và đang mang đến rất nhiều tiềm năng, tạo nên nhiều khoảnh khắc bùng nổ trong diễn biến tiếp theo.