Trà: Cảnh 18+ thảm họa, kịch bản vụng về, nhiều chi tiết khiến người xem hoang mang
Nội dung của Trà xoay quanh một thương nhân giàu có tên Hải (Trương Minh Quốc Thái). Ngoài bà vợ là chủ tịch tập đoàn tên Tuyết (Việt Hương), người đàn ông này còn có cô bồ nhí trẻ tuổi là Chích (Đoàn Trinh). Vì mặc cảm tội lỗi, Hải quyết định chia tay Chích nhưng cô gái trẻ không chịu buông bỏ. Để tiếp cận gia đình nhân tình, Chích giả làm người giúp việc cho gia đình Hải, dẫn đến hàng loạt biến cố.
Nguồn: VTV Go
Nhiều chi tiết ‘phá game’, khiến người xem hoang mang
Ngay đầu phim đã diễn ra một chi tiết rùng rợn, đó là Hải chứng kiến tận mắt vụ giết chồng vì ghen tuông của một người bạn (Phi Thanh Vân). Tuy nhiên, lớp hóa trang hề hước của nhân vật này cùng biểu cảm đưa ngón cái ủng hộ rất “hài tạp kỹ” của Việt Hương đã khiến khán giả ‘tụt mood’.
Sau đó, thể loại phim của Trà cũng thay đổi liên tục, từ hồi hộp sang tấu hài, sau đó là phê phán xã hội. Khi khán giả vẫn còn đang lúng túng trong ‘mê hồn trận’, đạo diễn Lê Hoàng tiếp tục tung ra hàng loạt tình tiết cùng tuyết nhân vật xa lạ chẳng đóng góp được gì cho kịch bản chung của phim.
Mảng hài được Lê Hoàng cài cắm không có điểm dừng, cứ sơ hở là các nhân vật lại tận dụng dù hầu hết các câu thoại đều khá vô duyên. Những câu thoại này đều là những định kiến lỗi thời của đàn ông dành cho phụ nữ, là sự phù phiếm đến ngớ ngẩn với mục đích khắc họa sự giàu có của người vợ do Việt Hương thể hiện.
Trong phim cũng xuất hiện nhiều tình tiết vô lý, dường như muốn trêu ngươi khán giả. Biệt thự vô số người làm nhưng hễ xảy ra chuyện lại không có một ai xuất hiện. Nhân vật Chích của Đoàn Trinh thay đổi tính cách và trang phục xoành xoạch, lúc cần nghiêm túc lại diễn hề, khi đang vui vẻ thì lại quá nghiêm túc. Thậm chí, khi có nhiều người đàn ông cưỡng ép phụ nữ giữa ban ngày cũng không có ai can thiệp?
Có thể, Trà của đạo diễn Lê Hoàng phải trải qua ba lần duyệt phim trước khi ra mắt nên mới dẫn đến tình trạng trên. Tại buổi showcase, vị đạo diễn này cho biết tác phẩm bị cắt 70% cảnh nóng, vì thế nội dung của phim cũng khác biệt khá nhiều so với ban đầu. Nhiều khán giả review, Trà giống như một ly trà sữa hỗn tạp, mang người xem từ bàng hoàng này sang hoang mang khác.
Kịch bản vụng về, rối não
Ngay từ những phút đầu của phim, Trà đã khiến người xem có cảm giác bất an khi những nhân viên trong công ty quảng cáo của Hải liên tục đưa ra cho khách hàng những ý tưởng khó hiểu. Chưa kể, nhân vật này với cương vị giám đốc còn có những sáng kiến khó đỡ hơn, kiểu: “Các anh chị có biết vì sao phụ nữ châu Âu thích da đen không? Vì đàn ông châu Âu thích da đen!?!”. Sau đó, các nhân viên tỏ ra bất ngờ như thể vừa mới giác ngộ chân lý gì đó cao siêu lắm.
Chỉ vài phút sau, Hải lao ngay đến nhà nhân tình và có màn ân ái nóng bỏng. Đang trong cơn vui sướng, anh đột ngột ngất xỉu. Hóa ra anh bị bệnh tim, có thể ‘tèo’ bất cứ khi nào làm chuyện ấy. Tuy nhiên, căn bệnh nghiêm trọng này đối với Chích, Tuyết hay thậm chí là bản thân Hải đều không quá quan trọng. Ba nhân vật chính cứ quay cuồng trong vòng xoáy ân ái trong hầu hết thời lượng phim.
Kịch bản Trà dường như còn muốn thử thách trí thông minh của người xem khi quy tụ nhiều tình tiết rời rạc, không đầu không cuối. Hải nằng nặc đòi chia tay với Chích là vì chứng kiến cô em gái ghen tuông giết chồng khi biết gã ngoại tình. Chích tìm mọi cách đeo bám, giả vờ là con bé nhà quê ngây ngô xin vào nhà Hải làm giúp việc. Nhưng đến khi kết phim, khán giả vẫn không biết mục đích của Chích là gì.
Có những bộ phim sở hữu plot twist hay đến mức người xem muốn biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng cũng có tác phẩm chán đến mức chỉ xem đến nửa là khán giả đã muốn bỏ về. Trà là loại thứ ba, đây là một tác phẩm dở đến mức khán giả phải tò mò xem tình tiết tiếp theo được đạo diễn đưa vào là gì. Thực tế, phim không chỉ bớt phi lý mà còn vô lý hơn. Khi thì sa đà lan man vào trí tưởng tượng của Chích, lúc lại chìm đắm vào câu chuyện quá khứ. Khi là tác phẩm tấu hài, lúc lại quá nhiều drama nhồi nhét như một nồi lẩu thập cẩm. Những tình tiết vô tri đến mức khán giả bật cười, không thể ngờ rằng đến năm 2024 vẫn còn xuất hiện trong phim Việt.
Ca ngợi tiểu tam?
Ban đầu, phim Trà tạo cảm giác vai diễn của Trương Minh Quốc Thái là nhân vật chính. Người xem chờ đợi, liệu nhân vật này sẽ làm sao để vừa giữ lửa gia đình, vừa có thể đối mặt với phiền phức mà nhân tình bé nhỏ gây nên? Tuy nhiên, khi Chích giả làm giúp việc thành công, nhân vật này đã trở thành cái tên nắm giữ cốt truyện.
Để khắc họa tình yêu đích thực của tiểu tam, kịch bản còn cho Chích những khoảnh khắc cao thượng đến vô lý. Điển hình như việc cô ta từ chối 3 lần tiền bồi dưỡng để chia tay Hải, khi nhân vật này đau đớn, nằm lăn ra sàn ăn vạ khóc lóc vì bị ‘người yêu’ đòi chấm dứt quan hệ.
Càng về sau, kịch bản càng thêm thách thức các chuẩn mực xã hội khi để cảnh nóng giữa Hải và nhân tình trở nên lung linh và đầy lãng mạn; trong khi cảnh ân ái của anh với vợ thì kiểu chịu đựng, hời hợt. Ngoại hình và diễn xuất của Trương Minh Quốc Thái là điểm sáng của Trà, có thể nói đây là một vai quá dưới tầm với anh. Tuy nhiên, cả Việt Hương và Đoàn Trinh đều có lối diễn thậm xưng. Dễ dàng thấy được, Việt Hương bê nguyên xi cung cách nói chuyện hào sảng của bản thân ngoài đời vào trong phim, kết hợp với kiểu diễn melodrama khiến người xem cảm giác ghét nhân vật hơn là thương.
Với Trà, đây là vai điện ảnh đầu tiên trong sự nghiệp của Đoàn Trinh. Nữ diễn viên vẫn còn yếu về đài từ, cách thể hiện những biểu cảm vui, buồn, giận hờn cũng chưa thuyết phục. Chưa kể, khâu chỉ đạo diễn xuất còn nhiều thiếu sót khi để nữ diễn viên trẻ có lối diễn lố lăng, tăng động quá mức.
Có thể nói, Trà là mắt xích yếu nhất trong đường đua phim tết năm nay. Không chỉ đề tài không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, kịch bản phim cũng tồn tại rất nhiều ‘sạn’. Ngoài ra, yếu tố cảnh nóng cũng trở thành rào cản trong việc Trà cạnh tranh suất chiếu với các đối thủ khác.