‘Người Kiến và Chiến binh Ong: Thế giới Lượng tử’ là tác phẩm mở đầu Phase 5 của MCU. Sau 1 Phase 4 gây thất vọng, người hâm mộ ắt hẳn rất mong chờ một bộ phim có thể vực dậy được Marvel. Bộ phim này được kể với giọng điệu nhẹ nhàng, hóm hỉnh hơn so với 2 phần đầu, tuy nhiên Ant-Man 3 vẫn chưa thể đáp ứng được kỳ vọng của khán giả.
‘Người Kiến và Chiến binh Ong: Thế giới Lượng tử’: Lại là bước lùi của Marvel
Thông tin phim Người Kiến và Chiến binh Ong: Thế giới Lượng tử
- Tên phim: Người Kiến và Chiến binh Ong: Thế giới Lượng tử
- Tên gốc: Ant-Man and the Wasp: Quantumania
- Đạo diễn: Peyton Reed
- Diễn viên: Paul Rudd, Evangeline Lilly, Kathryn Newton
- Thể loại: Hành động, kịch tính, Phiêu lưu
- Thời lượng: 192 phút
- Quốc gia: Mỹ
- Khởi chiếu: 16/2/2023
Nguồn: CGV Cinemas Vietnam
Ant-Man and the Wasp: Quantumania vẫn là bộ phim có tính giải trí cao, mở ra thế giới lượng tử đầy thú vị, giúp tăng tính kết nối cho chuỗi phim của Marvel. Phản diện chính là điểm sáng của phần phim này, nhưng rất khó để so sánh mức độ nguy hiểm của hắn so với Thanos. ‘Người Kiến và Chiến binh Ong: Thế giới Lượng tử’ không quá đặc sắc nhưng không đến nỗi tẻ nhạt như các bộ phim trong giai đoạn 4 của MCU, dù thực tế nội dung phim cũng hơi lòng vòng và thiếu logic.
Cốt truyện
‘Người Kiến và Chiến binh Ong: Thế giới Lượng tử’ là phần phim riêng thứ 3 của siêu anh hùng Người Kiến, trước đó là sự thành công lớn về mặt thương mại của Ant-Man (2015) và Ant-Man and the Wasp (2018). Kịch bản của Ant-Man 3 lấy bối cảnh sau trận đại chiến với Thanos trong Avengers: Endgame (2019), Scott Lang (Paul Rudd) bỏ rơi công việc siêu anh hùng của mình để tập trung viết sách, kể lại những chiến tích trong quá khứ. Trong khi Cassie - con gái anh lại trở thành một nhà hoạt động xã hội, thường xuyên dính vào các rắc rối.
Trong một lần về gặp con, Scott Lang được biết Cassie đang phát triển một thiết bị có thể kết nối với thế giới lượng tử. Lúc này bỗng có sự cố xảy ra đẩy cả nhóm gồm Scott Lang, Cassie, Hope (Chiến Binh Ong), hai vợ chồng Hank - Janet (bố mẹ của Hope) đến thế giới siêu vi. Họ bị chia thành 2 nhóm: Cha con Scott Lang bị một nhóm người bản địa bắt giữ; Trong khi Janet - người từng mắc kẹt nhiều năm trong Quantum Realm đã đưa chồng và con gái Hope đi tìm những người bạn cũ ở đây để nhờ giúp đỡ.
Kỹ xảo hình ảnh quá bình thường
Chắc chắn phần kỹ xảo sẽ là điểm trừ lớn nhất. ‘Người Kiến và Chiến binh Ong: Thế giới Lượng tử’ được đầu tư số tiền 200 triệu USD theo tiêu chuẩn phổ biến phim bom tấn của Marvel. Song khán giả lại chưa hài lòng với phần hình ảnh của phim. Thế giới lượng tử hay thành phố của Kang xuất hiện nhưng chưa gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác. Một phần do khán giả vừa được xem bom tấn hành tráng nhất lịch sử là ‘Avatar: Dòng chảy của nước’, khiến việc xem Ant-Man 3 có cảm giác bị dội.
Những thật bất công khi khán giả định so sánh kỹ xảo của Ant-Man 3 với dự án phim hơn 10 năm ấp ủ của James Cameron. Thực tế, nếu người xem giảm bớt kỳ vọng thì sẽ thấy bộ phim hoàn toàn có thể chấp nhận. Nếu so sánh với Thor 4 hay Black Panther 2 gần đây, thì thấy rằng phần hình ảnh của Ant-Man 3 vẫn làm tốt hơn. Dù CGI và VFX chưa chân thật, nhưng bộ phim cũng là sự tiến bộ nhỏ của Marvel.
Diễn xuất chỉ ở mức vừa đủ
Nam chính Paul Rudd quá dễ dàng để vào vai Scott Lang/Ant-Man. Song, phản diện của phim đã khiến nhân vật chính bị lu mờ. Vai diễn Kang the Conqueror của Jonathan Majors trên màn ảnh nhỏ rất mượt mà, từ thần thái, cử chỉ cho tới tông giọng đều để lại ấn tượng cho người xem. Kang sẽ không bị lẫn với bất kỳ nhân vật phản diện nào của Marvel.
Michelle Pfeiffer và Evangeline Lilly vào vai 2 mẹ con Hope khá ổn, bộc lộ cảm xúc rõ ràng. Tiến sĩ Hank Pym được Michael Douglas diễn tròn vai. Nhưng vấn đề lớn nhất nằm ở cô con gái Cassi Lang do Kathryn Newton đóng. Nếu so với 3 nhân vật chính khác thì rõ ràng cô có nhiều đất diễn hơn, nhưng lại không biết tận dụng tốt, hầu như chưa bộc lộ được biểu cảm gì trong suốt bộ phim.
Kịch bản khá “nhạt”
Về vấn đề kịch bản của Marvel thiếu đi sự kịch tính đã không còn mới lạ gì trong các bộ phim gần đây, nhất là Phase 4 xuống dốc nghiêm trọng. Nhưng với ‘Người Kiến và Chiến binh Ong: Thế giới Lượng tử’ thì biên kịch và đạo diễn có thể làm tốt hơn nhiều.
Kịch bản tuyến chính được xử lý một cách an toàn và dễ đoán. Thực tế đây chưa phải điểm trừ quá lớn. Nhưng vấn đề là nhà làm phim đã tự làm khó mình khi ôm quá nhiều thứ. Ant-Man 3 có diễn biến nhanh, giới thiệu một loạt nhân vật mới và thế giới lượng tử nhưng lại không đi sâu, như vậy đã khiến 2/3 thời lượng đầu phim đi chệch trọng tâm, mạch phim rời rạc, thiếu liên kết.
Marvel Studios cần nhanh chóng lấy lại phong độ
Dường như thất bại của Phase 4 vẫn còn quá bình thường để có thể làm một bài học cho Marvel. Hơn 2 năm qua, thương hiệu “vũ trụ điện ảnh Marvel” ngày càng xuống cấp vì những sản phẩm chất lượng thụt lùi, không được kiểm soát chặt chẽ, như Ms. Marvel, She Hulk: Attorney at Law hay Thor: Love and Thunder,... Các bộ phim đã khiến người hâm mộ MCU quá thất vọng và phải dè chừng trước một bộ phim mới.
MCU vốn là gã khổng lồ của nền công nghiệp phim ảnh Hollywood, phần là nhờ sự chỉn chu trong khâu sáng tạo và phần nhờ sự yêu thích của khán giả về sự chỉn chu đó. Vì vậy, nhà làm phim không thể ngủ quên trên chiến thắng và liên tục lợi dụng tình yêu của khán giả để lấy tiền của họ bằng các tác phẩm nhạt nhòa, hời hợt.
Đây là một cách làm phim độc hại, vì vậy Marvel Studios buộc phải chấn chỉnh lại trước sự mờ nhạt dần của MCU trong trái tim công chúng và đừng để câu nói “Marvel đã kết thúc sau Endgame” trở thành sự thật.