Mulan – Hoa Mộc Lan: Có thực sự nửa vời và sáo rỗng?
Thông tin phim Hoa Mộc Lan
- Tên phim: Hoa Mộc Lan
- Tên gốc: Mulan
- Thời lượng: 115 phút
- Thể loại: Giả tưởng, hành động, chiến tranh
- Đạo diễn: Niki Caro
- Diễn viên: Lưu Diệc Phi, Củng Lợi, Chân Tử Đan, Jason Scott Lee, Lý Liên Kiệt, Mã Thái…
- Quốc gia: Mỹ
- Năm khởi chiếu: 2020
Nguồn: Walt Disney Studios Vietnam
Hoa Mộc Lan ngốn tới 4.000 tỷ VNĐ của Disney. "Nhà chuột" cũng không dấu tham vọng gặt hái thành công tại Bắc Mỹ cũng như chinh phục khán giả Trung Quốc - Bối cảnh nguyên tác và là thị trường điện ảnh lớn thứ 2 thế giới.
Hoa Mộc Lan là bản live action của bộ phim hoạt hình cùng tên nổi tiếng ra mắt năm 1998 của Disney. Bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng, hội tụ dàn diễn viên gồm nhiều ngôi sao hạng A của châu Á, với nữ chính do "Thần tiên tỷ tỷ" Lưu Diệc Phi đảm nhiệm.
Bộ phim kể về cuộc hành trình của cô gái tên Mộc Lan giả trai để tòng quân thay người cha già. Nữ tử này ngay từ nhỏ đã có cá tính mạnh, thích học võ và thường nhận được sự giúp đỡ của một linh vật mang linh khí của phượng hoàng. Trong trại lính, Mộc Lan đã bộc lộ được khả năng và bản lĩnh của mình. Cô thể hiện lòng trung dũng, không ngại khó khăn gian khổ và làm việc như một người con trai. Cuối cùng, nhờ vào sự thông minh và lòng dũng cảm, Mộc Lan đã cứu được nhà vua và giết chết thủ lĩnh phản tặc.
“Thay máu” tuyến nhân vật bản 1998
Dù dựa trên bản gốc năm 1998 nhưng Hoa Mộc Lan của Lưu Diệc Phi đã có sự thay đổi khá nhiều về tuyến nhân vật.
Rồng Mushu
Đặc biệt là người bạn luôn đồng hành với Mộc Lan là rồng Mushu và chú dế Lucky đã hoàn toàn bốc hơi trong bản live action. Cũng có thể vì tạo hình chỉ hợp với hoạt hình và có các cử chỉ quá lố cùng những lời bông đùa quá đà nên hai nhân vật rất được yêu thích này mới bị loại khỏi bản điện ảnh. Nhưng khán giả thì cho rằng, Mộc Lan mà thiếu Mushu thì còn gì là Hoa Mộc Lan nữa.
Mushu là hiện thân của tổ tiên nhà Mộc Lan, chú rồng dưới lốt linh hồn với những phân cảnh tranh luận, ăn mừng, vui buồn cùng Mộc Lan đã không được giữ lại. Trong phim, hình ảnh tổ tiên chỉ được thể hiện qua những câu thoại, điều này để người xem thấy thực tế hơn và biểu hiện rằng con người luôn khắc cốt ghi tâm lời dạy của tổ tiên thay vì họ phải "hiện hồn" về như trong hoạt hình.
Thành viên gia đình
Gia đình Mộc Lan cũng có sự thay đổi, thay vì một nhà 4 người gồm bà, cha, mẹ và nàng thì ở bản điện ảnh đã thay người bà bằng cô em gái. Việc này tạo ra sự so sánh cho khán giả rằng: Mộc Lan sống theo cách cô muốn, còn em gái sống theo cách xã hội phong kiến muốn.
Một gia đình phong kiến không có con trai nối dõi, lại có đến 2 cô con gái sẽ bị người đời chê bai. Nhưng cha Mộc Lan lại là người bình thản, ông luôn luôn tôn trọng các con và tình yêu gia đình đã được nhấn mạnh hơn trong phim.
Các binh lính
Đội hình binh lính cũng có sự xáo trộn. Không còn một chỉ huy Lý Tường trẻ trung đầy sức sống, mà thay vào đó một tướng quân Đường già dặn, uy phong do Chân Tử Đan thủ vai. Đường tướng quân khi lãnh đạo quân thì cương nhu kết hợp, nhưng cũng luôn lắng nghe tâm sự của người lính, anh ta toát lên nhuệ khí của người đứng đầu.
Ba anh chàng A Ninh, Kim Bảo, Tứ Phúc vẫn được giữ nguyên với 3 tính cách khác nhau, nhưng lại không quá nổi bật như phiên bản gốc. Chen vào đội ngũ này là Hồng Huy - Người được xem như bản thấp cấp hơn của Lý Tường và anh chàng đã có tình ý với Mộc Lan trong suốt bộ phim.
Trong khi Lý Tường luôn cố gắng thoát khỏi cái bóng chỉ huy của cha mình thì Hồng Huy lại quá nhạt nhòa, không được đầu tư kỹ vào cá tính và suy nghĩ. Để khán giả cũng phải tự hỏi: Liệu Mộc Lan có cần tri kỷ như Hồng Huy?
Vì trong phim mối quan hệ chính đã chuyển từ cấp trên - cấp dưới thành đồng đội - những người ngang hàng nên sự gắn bó của họ chủ yếu được chuyển về thông điệp bảo vệ lẫn nhau trong trận chiến. Nhưng thực sự thì tình đồng đội này không quá thuyết phục người xem vì tương tác giữa các thành viên quá ít ỏi trong lúc luyện tập hay sinh hoạt, mà chỉ đến khi ra trận họ mới sống chết vì nhau.
Nhân vật mới
Một điểm phải khen ngợi cho Hoa Mộc Lan bản điện ảnh là đưa vào nhân vật mới Tiên Nương. Trong hoạt hình thì đây là con đại bàng đậu trên vai Thiền Vu, nhưng vào live action đã hóa Tiên Nương do Củng Lợi thủ vai. Cô sở hữu sức mạnh thần bí và bị người đời khinh biệt, coi như một mụ phù thủy xấu xa.
Xuyên suốt Hoa Mộc Lan có thể thấy cái chất nữ quyền rất mạnh nên khán giả nữ sẽ rất đồng cảm. Sự chuyển mình về tâm lý và cảm xúc của Tiên Nương trong giai đoạn cao trào là "nước đi" sáng tạo của biên kịch.
Nhặt sơ sơ cũng một rổ sạn
Dù bộ phim được đầu tư rất kỹ và lấy cốt truyện từ bản hoạt hình nổi tiếng, nhưng sang live action thì lại trở nên lỏng lẻo, mạch phim rời rạc, chắp vá. Giống như kiểu biên kịch với đạo diễn chưa gặp nhau bao giờ vậy.
Diễn xuất của Lưu Diệc Phi vốn đã bị đánh giá không cao, nhiều khán giả nhận xét rằng mặt cô rất đơ và không có biểu cảm nào cao trào. Không chỉ nữ chính mà toàn bộ diễn viên trong phim đều diễn không tự nhiên, không có sắc thái hay biểu cảm nào dù toàn các ngôi sao thực lực. Có lẽ vì phải sử dụng hoàn toàn bằng tiếng anh nên các diễn viên khó kết nối được cảm xúc. Cũng vì điều này mà lời thoại trong Hoa Mộc Lan vô cùng thiếu tự nhiên, phát âm cũng không chuẩn.
Vì tâm lý nhân vật và các bi kịch không được làm kỹ đã khiến mạch phim mất đi cao trào. Thông điệp gài vào bộ phim cũng rất nửa vời, trớt quớt.
Cặp đôi trong phim là Mộc Lan và Hồng Huy thì chẳng có lấy "miếng chemistry". Mọi thứ mà hai người này thể hiện giống như kiểu "kịch bản bảo sao thì em làm vậy" chứ không có tương tác hay cảm xúc gì.
Hình tượng Phượng Hoàng chắc bị CGI hãm hại nên lên phim quá tệ. Phượng Hoàng xuất hiện một cách lãng xẹt như kiểu thêm thắt chút xíu cho có gì đó gọi là huyền bí và thể hiện đặc trưng Trung quốc một chút.
Những pha hành động khá hời hợt và có phần nhẹ nhàng, cảnh chiến đấu cũng không đặc sắc, giống kiểu đang đi múa gậy chứ không phải đánh nhau nữa.
Một số vấn đề khó hiểu trong Hoa Mộc Lan như: Tại sao tướng quân suốt ngày đi giải quyết mấy chuyện lặt vặt của đám lính "binh bét"?; Đầu phim thì kiên quyết ta đây không gian dối, nhưng cuối phim lại quay ngắt theo phe Mộc Lan, thậm chí còn để nữ chính dẫn đầu; Phù thủy ở phe phản diện nhưng phút cuối lại quay xe thế mạng luôn cho nữ chính?...
Bên cạnh đó, bộ phim dường như dồn hết spotlight cho Mộc Lan, còn dàn nhân vật phụ như tàng hình. Những pha đánh nhau thì thiếu lực, thiếu sự nhanh nhẹn, dùng slow motion quá nhiều. Tuy có các góc quay đẹp nhưng chỉ tạo nên sự hào nhoáng chứ không thể hiện được một trận đánh kịch tính.
Nhưng nói đi cũng phải nhắc lại, Hoa Mộc Lan cho khán giả thấy những khung cảnh rất đẹp, góc quay đẹp, màu phim đẹp, phong cảnh Trung Quốc hùng vĩ lại rực rỡ,...
Nhất là Lưu Diệc Phi, dù không trang điểm thì cô vẫn đẹp. Mộc Lan cũng thực sự là nữ cải nam trang chứ không phải tô son đỏ choét hay gương mặt trắng bóc như những bộ phim phẫn nam khác của Trung Quốc.
Dù sao thì Hoa Mộc Lan vẫn là bộ phim có ý nghĩa, thể hiện rất sâu sắc về bình đẳng giới, tôn vinh nữ quyền và sự nỗ lực vươn lên của con người. Vì vậy, hãy xem Hoa Mộc Lan 2020 nếu bạn có thời gian rảnh nhé.