Quỷ Cẩu (2023)
Đánh Giá Của Bạn
Quỷ Cẩu: Kịch bản ổn áp, kỹ xảo còn chút 'yếu'

Quỷ Cẩu là bộ phim ‘không kèn không trống’ bất ngờ ra rạp Việt trong khoảng thời gian cuối năm. Tác phẩm gây chú ý khi quy tụ dàn diễn viên thực lực từ cả 2 miền Bắc Nam như NSND Kim Xuân, Quang Tuấn, Quốc Quân… Đặc biệt, đây là lần đầu nghệ sĩ Vân Dung xuất hiện trong một bộ phim điện ảnh.

Quỷ Cẩu: Kịch bản ổn áp, kỹ xảo còn chút "yếu"

Mít Mật, 10:48 02/01/2024

Nội dung tận dụng được chất liệu kinh dị dân gian

Chuyện phim trong Quỷ Cầu bắt đầu khi ông Mạnh (Đào Anh Tuấn) bất ngờ qua đời vào một buổi sáng sớm khi đang đi giao thịt chó. Sự việc này khiến con trai Nam (Quang Tuấn) phải vội vàng cùng bạn gái về quê để chịu tang cha.

Nguồn: Cinestar Cinemas Vietnam (Official)

Khi về nhà, anh nhanh chóng hội ngộ cùng các thành viên khác trong gia đình là bà Nga (NSND Kim Xuân), cô Thúy (Vân Dung), chú Quyết (Quốc Quân) và dì Liễu (Nam Thư). Tuy nhiên, không khí có vẻ như không hề vui vẻ hay hạnh phúc. Từ đây, hàng loạt sự kiện rùng rợn liên tiếp xảy đến khiến mọi việc càng thêm căng thẳng.

Các thành viên trong nhà đều gặp phải cơn ác mộng kỳ lạ, cơn ác mộng này có liên quan đến một loài quỷ đội lốt chú chó trắng nuôi trong nhà. Từng người lần lượt bỏ mạng, sự thật đáng sợ về gia đình bà Nga cũng dần được tiết lộ.

Thực tế cho thấy, hiện có rất ít phim Việt tận dụng được chất liệu dân gian để làm nội dung. Mới đây nhất, series Tết Ở Làng Địa Ngục cùng với phim điện ảnh Kẻ Ăn Hồn đều được đánh giá cao ở khâu hình ảnh, khi đã khéo léo cài cắm được các chi tiết đậm tính dân tộc như áo ngũ thân, đám cưới chuột... Trong khi các nhà làm phim Việt có xu thế vay mượn kịch bản nước ngoài hoặc thường khắc họa những câu chuyện về giới trẻ hiện đại; việc những tác phẩm khơi gợi văn hóa dân gian luôn là điều được mọi người mong đợi. Đồng thời, tiền đề của Quỷ Cầu từ trước khi ra mắt đã được khán giả trong nước bàn tán xôn xao. 

Đặc biệt khi Chó Đội Nón Mê là một trong những truyện ma truyền miệng nổi tiếng của Việt Nam nhưng lần đầu tiên được đưa lên màn ảnh rộng. Đó là khi gia chủ thấy con chó trong nhà bỗng đứng được bằng hai chân, tay chống gậy và miệng cười thì đó là điềm báo tai ương sắp ập tới.

Để người xem có thể dễ dàng hình dung những điều có thể xảy ra với gia đình của Nam, phía biên kịch đã cài cắm một tuyến truyện về nạn nhân trước đó của chó ma, người cha nổi tiếng sát hại cả gia định, đó là khi người chị (Hạnh Thúy) sống sót phải cưu mang cậu em trai mắc bệnh tâm thần. Khởi đầu bằng một đám tang, sau đó những sự kiện tâm linh rùng rợn liên tục diễn ra, bộ phim này đã bước đầu tạo ấn tượng tốt với khán giả.

Xuyên suốt mạch phim, Lưu Thành Luân đã nhiều lần cài cắm thông điệp: Chó là bạn, không phải thức ăn. Đồng thời, những nhân vật giết mổ chó sẽ phải gánh chịu cái kết thê thảm và mang tính nhân quả: Nếu chặt thịt thì sẽ bị chết vì dao, làm lông sẽ chết vì nước sôi... Tuyến chính diện của Quang Tuấn và DJ Mie cũng là người nói không với việc ăn thịt chó nên họ cũng ít gặp xui rủi.

Bối cảnh và yếu tố kinh dị chất lượng

Quỷ Cầu có điểm mạnh ở phần bối cảnh và những màn hù dọa rùng rợn. Căn nhà của bà Nga có phần tách biệt với hàng xóm, bao bọc bởi những vườn cây ăn quả um tùm, xung quanh là những lồng nuôi chó thịt và một lò mổ lúc nào cũng sặc mùi tử khí. Khi thảm họa xảy đến, các thành viên trong gia đình dù có la hét lạc giọng cũng không thể cầu cứu được ai.

Hầu như bối cảnh phim đều chìm trong bóng tối, dù là ban ngày vẫn toát lên vẻ âm u, lạnh lẽo. Đạo diễn luôn tận dụng ánh sáng đỏ từ những chiếc đèn bàn thờ, khiến không gian thêm mờ ảo, đáng sợ. Yếu tố kinh dị của phim là sự kết hợp giữa sự căng thẳng và âm thanh. Những mảng hù dọa dù không mới nhưng vẫn tạo kịch tính, đặc biệt khi các nhân vật dần bước vào cái kết kinh hoàng đã được định sẵn mà không hề hay biết.

Những âm thanh ghê rợn trong đêm tối cũng được khai thác triệt để. Tiếng bước chân lọc cọc trên mái nhà bằng ngói, tiếng gầm gừ, liếm mép của loài chó, tiếng sủa văng vẳng trong đêm đen đều khiến người xem nổi da gà. Đặc biệt, hình ảnh mổ thịt chó hoặc ăn món rựa mận được quay cận cảnh tạo cảm giác ghê rợn.

Kỹ xảo còn yếu

Quỷ Cẩu tạo được sự tò mò khi chọn lựa đề tài, biến thú cưng thành thứ đáng sợ. Thế nhưng, tạo hình con chó trong phim được thực hiện khá tệ. Những hình ảnh chú chó chống gậy được thực hiện một cách qua loa, giả trân; từ cử chỉ cho đến khuôn mặt đều tạo cảm giác thiếu tự nhiên. Có những phân cảnh, kỹ xảo kém khiến nhiều cảnh phim trở nên hài hước thay vì tạo cảm giác sợ hãi. 

Quỷ cẩu là phim đầu tay của đạo diễn trẻ Lưu Thành Luân nên còn có nhiều hạn chế trong kỹ năng kể chuyện. Nhà làm phim chủ yếu hù dọa khán giả bằng âm thanh giật gân và những phân cảnh jump scare. Tuy nhiên, thủ pháp này kết hợp với phần hình ảnh không ấn tượng đãkhiến phim thiếu chân thật, chưa tạo được độ ám ảnh cần có. 

Diễn xuất chưa đồng đều

Vì muốn hợp lý hóa việc mâu thuẫn gia đình Nam ngày càng tăng, đạo diễn đã chọn cách kể mang nặng tính sắp đặt. Nam tiết lộ Xuân có thai, xin làm đám cưới dù cha mới qua đời. Sau đó, 2 vợ chồng Quyết, em gái Thúy nhanh chóng trở mặt, buông lời hạ nhục Nam và mẹ (Kim Xuân). Lối diễn “kịch” của Quốc Quân, Nam Thư cùng Vân Dung khi đặt trên khung hình điện ảnh nhiều khi bị lố, dễ khiến khán giả khó chịu.

Người diễn ổn nhất là nghệ sĩ Kim Xuân. Bà đã diễn tròn trịa hình cảnh của một người vợ đau đớn khi đưa tang chồng, gương mặt vừa giận vừa thương khi biết tin mình sắp lên chức bà ngoài ý muốn. Trong khi đó, biểu cảm của Quang Tuấn và DJ Mie lại thiếu thuyết phục. Quang Tuấn dù có khoảnh khắc tỏa sáng ở cảnh cao trào nhưng hầu hết thời lượng, nét mặt của anh lại không có sự khác biệt.

Tóm lại, Quỷ Cầu được coi là màn “chơi ngông” của đạo diễn Lưu Thành Luân và nhà sản xuất Võ Thanh Hòa. Theo dự kiến, tác phẩm kinh dị này sẽ gặp thách thức từ doanh thu phòng vé, khi Kẻ Ăn Hồn hiện đang có độ phủ sóng cao ngoài rạp.

Bài khác