Phim "Đất rừng Phương Nam" nhiều sạn, làm sai lệch hình ảnh ông Ba Phi

LTFB, 11:15 15/10/2023

"Đất rừng phương Nam" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là một bộ phim đang gây ra nhiều dư luận sôi nổi. Bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi, nhưng cũng có không ít tiếng chê.

Là một sản phẩm nghệ thuật, những thành công của phim rất đáng ghi nhận, song khi xem xong bộ phim, đọng lại cũng là không ít điều lấn cấn trong lòng khán giả.

Nhân vật An bị lu mờ, thoại phim kịch

Nội dung của phim "Đất rừng phương Nam" gần như dính rất ít đến nguyên tác "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi. Trong phim các nhân vật gần như chỉ có cái tên như nguyên tác là bé An, thằng Cò, dì Tư Béo, dì Tư Mắm, Võ Tòng.

Nhân vật Út Lục Lâm và bé An trong phim 'Đất rừng Phương Nam'
Nhân vật Út Lục Lâm và bé An trong phim "Đất rừng Phương Nam"

Còn thì là tuyến nhân vật mới hoàn toàn, với những tình tiết cũng hoàn toàn mới. Người xem chỉ được thấy nhân vật thằng Cò xuất hiện thoáng qua, nhân vật ông Hai bắt rắn thay bằng nhân vật ông Ba. Trong phim xuất hiện những nhân vật mới như Út Lục Lâm, bác Ba Phi, cha con ông Tiều và bé Xinh, vị phu nhân Pháp…

Phim có khá đông nhân vật và những người làm phim đã dành nhiều đất diễn cho những nhân vật khác nên nhân vật bé An không còn đất diễn chính. Thậm chí những người làm phim đã dành nhiều thời lượng cho nhân vật Út Lục Lâm (Tuấn Trần đóng) và ông Tiều (Tiến Luật đóng).

Không phủ nhận là hai diễn viên này đã đóng rất tròn vai, tuy không có những đột phá xuất sắc nhưng vẫn đủ sức thuyết phục người xem. Nhưng cũng chính vì thế mà nhân vật chính là bé An khá lu mờ trong phim, đặc biệt là những cảnh phim đóng chung với nhân vật Út Lục Lâm và ông Tiều.

Những người làm phim đã khá chăm chút cho hai nhân vật này, dành cho hai nhân vật này nhiều câu thoại, cảnh diễn xuất, hành động. Điều này làm cho khán giả có cảm giác các nhân vật trong phim "dàn hàng ngang" mà tiến, khiến cho mạch phim bị loãng.

Kịch bản phim viết theo màu sắc của ngôn ngữ kịch hơn là điện ảnh. Một số lời thoại dài dòng, thậm chí mang màu sắc độc thoại của kịch, chẳng hạn như cảnh bé An và bé Xinh cùng nhớ mẹ.

Nhiều câu nói mang màu sắc đạo lý, không phù hợp với nhịp độ diễn tiến nhanh của phim và logic ngôn ngữ đời sống. Thầy Bảy nói với bé An: "Thầy cũng là người yêu nước giống cha con. Nhưng thầy chọn dùng lời ca tiếng hát để đánh động trái tim của mọi người".

Nhân vật Hai Thành, ba của bé An thì thống thiết ngay trong cuộc họp nghiêm túc với người đồng chí của mình: "Tôi đã vì việc nước mà quên việc nhà, nay tôi phải làm trách nhiệm của người cha".

Ở cảnh gần cuối phim, khi bé An gặp cha, hai người lại tiếp tục ôm nhau nói đạo lý, ngay kể cả khi Pháp đang lùng bắt và ở trong tình thế hiểm nghèo, khiến cho khán giả xem phim không thấy cảm động mà chỉ thấy vô lý.

Nhân vật Ba Phi trên phim gây méo mó hình ảnh ông Ba Phi ngoài đời thực

Nguồn: TRẤN THÀNH TOWN

Một nhân vật có thể nói là điển hình cho sự phá vỡ hình tượng nghệ thuật trong lòng khán giả là nhân vật bác Ba Phi do Trấn Thành đóng.

Trấn Thành trong vai bác Ba Phi, gây méo mó về hình tượng con người thực bác Ba Phi ngoài đời.
Trấn Thành trong vai bác Ba Phi, gây méo mó về hình tượng con người thực bác Ba Phi ngoài đời.

Một số ý kiến bênh vực bộ phim "Đất rừng phương Nam" cho rằng đây chỉ là nhân vật phụ, xuất hiện thoáng qua vài phút, không đáng để tâm. Đó là nhận định của những người không hiểu được tầm quan trọng của một bộ phim điện ảnh với vai trò là một tác phẩm nghệ thuật.

Với một tác phẩm nghệ thuật gồm nhiều loại hình phức hợp như điện ảnh, nhân vật hay tình tiết nào xuất hiện trong phim đều có lý do, dụng ý, dù là chính hay phụ, lớn hay nhỏ. Tính chất chỉnh thể của một tác phẩm nghệ thuật như một bộ phim đòi hỏi sự kết cấu chặt chẽ và tập trung. Do vậy nhân vật bác Ba Phi cũng đóng vai trò nhất định trong phim, không thể xem nhẹ.

Bác Ba Phi tên thật là Nguyễn Long Phi, sinh năm 1884, mất năm 1964, quê tại Rạch Mũi, Cái Rắn, huyện Cái Nước.

Hiện nay có Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (bác Ba Phi) thuộc số 26, Kênh Ngang, ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau

Qua những câu chuyện vui dân gian truyền miệng mà bác Ba Phi để lại và được nhà văn Anh Động văn bản hóa bằng tác phẩm "Truyện vui bác Ba Phi", NXB Kim Đồng, 1995, thì bác Ba Phi tuy kể chuyện cười bằng sự phóng đại, hài hước những sự vật hiện tượng ở miền Tây Nam Bộ, nhưng bác không bao giờ tự đề cao bản thân mình như trong phim "Đất rừng phương Nam" thể hiện.

Là người không xuất hiện trong cảnh cướp pháp trường cứu Võ Tòng, nhưng bác Ba Phi lại xuất hiện trong quán rượu dì Tư Béo, tự kể công lao cứu Võ Tòng về mình. 

Câu thoại của nhân vật bác Ba Phi trong phim là: "Bữa đó tao chứng kiến, tụi lính vừa đưa súng, Võ Tòng gầm lên, trời sấm sét, tụi lính sợ đái ra quần như xả lũ, còn tinh thần đâu mà bắn? Ba Phi tao thấy đúng lúc, chụp cái liềm cắt lúa phóng đứt sợi dây thòng lọng. Võ Tòng huýt một tiếng sáo, từ đâu một đám trâu mộng, lao vô ủi đám quân lính té nhào. Rồi cha Võ Tòng nhảy xuống sông, được ông cá hô chở đi mất".

Trấn Thành là một diễn viên có tài. Anh hoàn toàn có thể đóng vai bác Ba Phi tốt nếu biết tiết chế lại lối diễn cường điệu, lên gân, hay nói cách khác là "giả trân" theo kiểu miền Nam.

Bác Ba Phi là người nông dân mộc mạc, hài hước. Trong những truyện vui bác để lại, bác Ba Phi không nói đạo lý kiểu: "Dân mình hiểu đất mình, dân mình thương đất mình, đất trời sẽ che chở cho chúng ta".

Nhân vật Võ Tòng trong phim
Nhân vật Võ Tòng trong phim

Ngay cả đoạn độc thoại dài cuối phim trong một cảnh quay "one-shot" của nhân vật bác Ba Phi cũng hết sức là đạo lý và cường điệu. Đoạn độc thoại ấy có lẽ phù hợp đưa vào chính kịch hơn là một bộ phim như "Đất rừng phương Nam".

Người Tây Nam Bộ có tính cách thật thà, chất phác. Họ có giảng đạo lý cũng đơn giản, mộc mạc, không cường điệu, khoa trương như diễn xuất và thoại của Trấn Thành.

Dĩ nhiên những người làm phim có quyền xây dựng một nhân vật bác Ba Phi hoàn toàn khác với nguyên mẫu vì hư cấu là điều cần thiết để đảm bảo tính sáng tạo của bộ phim điện ảnh. Nhưng vấn đề là hư cấu phải hợp lý, phải thuyết phục được số đông công chúng. Còn hư cấu không thành công, phá vỡ cả hình tượng nghệ thuật quen thuộc thì đó thuộc về lỗi của những người làm phim.

Phim "Đất rừng Phương Nam" có thể đổi thành tên Thiên Địa Hội

"Đất rừng phương Nam" được cài cắm một số chi tiết dễ gây những liên tưởng không hay, không chỉ nói riêng về chuyện Thiên Địa Hội hay Nghĩa Hòa Đoàn. Tôi không rõ đạo diễn, biên kịch hay nhà sản xuất phim có dụng ý gì hay đây chỉ là vô tình, nhưng giống như những hạt sạn rất khó để nhằn.

Những người làm phim hoàn toàn có thể chỉ tập trung làm phim về Thiên Địa Hội! Vì thực tế cũng có một khuynh hướng Thiên Địa Hội chống Pháp bên cạnh Thiên Địa Hội xã hội đen tư liệu lịch sử cho thấy. Và nếu đã dứt khoát lùi về giai đoạn nào đó không rõ trước năm 1945, thì chỉ cần làm phim về Thiên Địa Hội thôi, không cần thiết đưa vài nhân vật cách mạng mà tiêu biểu là anh Hai Thành (ba bé An) vào để như ngầm ý đối chọi, so sánh. 

Xem bộ phim này, có thể thấy nổi lên hai tuyến nhân vật, hai tổ chức là Thiên Địa Hội và cách mạng và bé An chính là sợi dây liên kết giữa hai bên.

Xem bộ phim này, có thể thấy nổi lên hai tuyến nhân vật, hai tổ chức là Thiên Địa Hội và cách mạng và bé An chính là sợi dây liên kết giữa hai bên.

Suốt cả phim thì toàn thấy hoạt động của Thiên Địa Hội; Bé An gia nhập, cắt máu ăn thề; Cướp pháp trường cứu Võ Tòng; Đánh nhau với giặc Pháp khắp nơi như "Nghĩa sĩ Cần Giuộc" thời xưa; Vượt ngục… Những nhân vật Thiên Địa Hội hiện lên là anh hùng mã thượng, nhân cách, khí tiết đủ cả.

Còn cán bộ cách mạng chỉ thấy đâu ngoài hai cuộc họp và vài lần xuất hiện mờ nhạt. Một cuộc họp chung với Thiên Địa Hội thì phía cách mạng không đáp ứng hỗ trợ Thiên Địa Hội. Một cuộc họp riêng thì kêu gọi anh Hai Thành đừng đi gặp con trai vì sợ bị lộ.

Ở cảnh gần cuối phim, nhân vật Hai Thành giả làm cái ghế ngồi trên sân khấu, cho bé An đóng vai hoàng đế ngồi lên. Nhân vật cách mạng yêu nước Hai Thành thì núp dưới tấm khăn phủ, nhắc tuồng cho bé An đọc lên trên sân khấu.

Xem cảnh này không rõ những người làm phim có dụng ý gì và rất dễ gây những liên tưởng không hay! Vì nếu diễn cảnh hai cha con phải làm vậy để gặp nhau thì hết sức lộ liễu và khiên cưỡng.

Nguồn: TRẤN THÀNH TOWN

Chưa kể lúc đó thì sau khi bé Xinh bị bắt và được bé An cứu ra, bé An phải biết là chuyện hẹn gặp cha ở đêm diễn của đoàn hát đã bị lộ vì bé Xinh lỡ miệng nói với mụ Tư Mắm về cuộc hẹn này. Vậy sao, bé An còn cố lên sân khấu?

Cảnh sắc thiên nhiên phương Nam trong phim.
Cảnh sắc thiên nhiên phương Nam trong phim.

Tuy còn có những lấn cấn về nội dung và nghệ thuật phim, song không thể phủ nhận những ưu điểm của bộ phim "Đất rừng phương Nam" với phần âm nhạc của nhạc sĩ Đức Trí, cảnh quay phim đẹp, trau chuốt từng khuôn hình.

Nhiều đại cảnh cầu kỳ, công phu với số lượng diễn viên quần chúng lên đến hàng ngàn người. Do vậy, bộ phim này trong một chừng mực nào đó, góp phần tôn vinh con người và mảnh đất phương Nam.

TS Hà Thanh Vân 

(Bài viết theo quan điểm và góc nhìn của tác giả về bộ phim)

⏩⏩⏩ Xem thêm: Cục Điện ảnh thẩm định lại bộ phim "Đất rừng phương Nam"

Bài khác