Hành trình của Bước Chân Thép bắt đầu từ những bước chạy nghiệp dư đầu tiên nhưng hừng hực sức trẻ của Sun Yun Bok. Những bước chạy này sẽ không dừng lại cho đến khi chạm đến vinh quang chiến thắng. Bộ phim giống như một lời khích lệ, khiến người xem rung động với nguồn động lực từ những thước phim nhiệt huyết tuổi xuân và hào hùng khí thế dân tộc.
Bước Chân Thép (Road to Boston) - tác phẩm Hàn đầy năng lượng tích cực, truyền cảm hứng để thành công
Thông tin phim Bước Chân Thép
- Tên phim: Bước Chân Thép
- Tiếng Anh: Road to Boston, 1947 Boston
- Tiếng Hàn: 1947 보스톤
- Đạo diễn: Kang Je Gyu
- Biên kịch: Kang Je Gyu
- Diễn viên chính: Ha Jung Woo, Im Si Wan, Bae Seong Woo, Kim Sang Ho
- Âm nhạc: Lee Dong June
- Công ty sản xuất: Saet Byul Media, BA Entertainment
- Ngày phát hành: 27 tháng 9 năm 2023
- Thời lượng: 108 phút
- Quốc gia: Hàn Quốc
- Ngôn ngữ: Hàn Quốc
Nguồn: Lotte Entertainment (International)
Bộ phim Bước Chân Thép (Road to Boston) dựa trên câu chuyện có thật của cuộc đời Son Ki Jeong (Ha Jung Woo) - một vận động viên giành huy chương vàng marathon trong Thế vận hội Berlin năm 1936. Son Ki Jeong từng được coi là viên ngọc quý trong làng thể thao Hàn Quốc, nhưng thành công đầu đời lại khiến cho ông mang trong lòng một nỗi ám ảnh về bộ môn marathon này.
Năm 1936, dù nhận được huy chương vàng và vượt qua hàng trăm VĐV khác trên toàn thế giới, nhưng Son Ki Jeong lại khiến thế giới ‘ngả mũ’ dưới cái tên Nhật Bản của mình là Son Kitei. Thời điểm đứng trên bục vinh quang, Son Ki Jeong nhận thức một cách sâu sắc về khao khát mạnh mẽ bên trong mình; rằng thể thao chính là thể hiện tài năng và thể hiện tiếng nói của con người Hàn Quốc. Đấu tranh cho đất nước, Son Ki Jeong đã bị list vào danh sách cấm tham dự thế vận hội và các cuộc thi thể thao trong suốt 10 năm tiếp theo.
Từ một người tràn trề hi vọng vào cuộc sống, Son Ki Jeong đã có 10 năm vô cùng khó khăn khi tự mình từ chối sứ mệnh của bản thân trong thể thao. Bước ngoặt thực sự diễn ra đó là khi ông gặp gỡ người bạn thi đấu cùng thời Nam Seung Ryong (Bae Seong Woo) và hậu bối Seo Yun Bok (Yim Si Wan). Là một người giàu kinh nghiệm trong bộ môn marathon, Son Ki Jeong nhanh chóng nhìn ra tài năng thiên bẩm của hậu bối từ những trải nghiệm trong cuộc sống và ý chí mạnh mẽ, kiên cường của Nam Seung Ryong. Ở quê nhà, Son Ki Jeong lựa chọn trở thành HLV môn marathon, cùng 2 người bạn đồng hành, phát triển tài năng sẵn có. Ông biết và hiểu được rằng, hào quang từng bị lấp mờ cần phải được thế hệ sau ‘khai sáng’ - đó là những người có cùng sứ mệnh và lý tưởng sống như mình.
Trời không phụ lòng người, những giọt mồ hôi, những cố gắng và nỗ lực của 3 vận động viên marathon Hàn Quốc đã thắp đầy ngọn lửa nhiệt huyết, cả nước đã đồng lòng ủng hộ họ tham gia Boston Marathon năm 1947. Đây cũng là năm Hàn Quốc giành được ngôi vị cao nhất, đồng thời bộ ba Son Ki Jeong, Nam Sung Ryong và Seo Yun Bok đã trở thành một tượng đài thép của cả thế giới trong bộ môn marathon.
Tác phẩm truyền cảm hứng tích cực
Bước Chân Thép (Road to Boston) không mang sức nặng của một câu chuyện có thật mà lại sử dụng tông màu rạng rỡ, tươi sáng, giúp khán giả có thể thưởng thức bộ phim một cách thoải mái hơn. Cuộc hành trình đến với Boston không hề dễ dàng với Seo Yun Bok. Thời điểm được Son Ki Jeong chiêu mộ vào đội, chàng trai trẻ này đã từ chối vì đang gặp khó khăn về tài chính. Đồng thời, Seo Yun Bok nói rằng, anh muốn học nghề thay vì chạy marathon. Những khủng hoảng mà anh trải qua trước vòng chung kết cùng hành trình vượt qua nó cũng khiến khán giả căng thẳng và hồi hộp theo.
Với trường hợp của Son Ki Jeong - người không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thi đấu dưới lá cờ của Nhật Bản trong thời kỳ Nhật Bản thuộc địa. Trong khi đó, Seo Yun Bok là người luôn cố gắng nhân danh đất nước sau giải phóng nhưng lại gần như lặp lại lịch sử đau thương năm nào khi phải gắn cờ Mỹ lên ngực. Khi xem từng thước phim, khán giả như thấu hiểu được những cố gắng, nỗ lực của Son Ki Jeong để tránh lặp lại bi kịch năm nào cũng như sự hối tiếc của nhân vật và sự can đảm của Seo Yun Bok vì dám chiến đấu hết mình cho danh nghĩa đất nước.
Dù Bước Chân Thép (Road to Boston) miêu tả hành trình vượt qua những trở ngại mà một quốc gia vừa mới giải phóng phải đối mặt, song đây cũng là một tác phẩm thể thao vô cùng cuốn hút. Với chuyến hành trình marathon dài 42,195 km, đạo diễn Kang Jae Gyu đã miêu tả ấn tượng những khoảnh khắc quan trọng nhất, nhưng vẫn không lạm dụng quá nhiều yếu tố kịch tính, mục đích diễn tả câu chuyện thực tế một cách rành mạch và dễ hiểu.
Ngoài ra, Bước Chân Thép (Road to Boston) còn có một ưu điểm khác, đó là khâu sản xuất và thiết kế trang phục có thể nắm bắt một cách tự nhiên bầu không khí của những năm 1930 và 1940. Đặc biệt, có những màu sắc đặc trưng chỉ có thể nhìn thấy vào thời điểm đó đã khiến tác phẩm này trở nên chân thật hơn bao giờ hết. Ngoài ra, một Seoul tràn ngập những cảm xúc thân thiện, ấm áp cũng được khán giả cảm nhận rõ nét qua những thước phim trên màn ảnh.
Đồng thời, màn trình diễn đầy nhiệt huyết của nam diễn viên Im Si Wan cũng là một điểm cộng của Bước Chân Thép (Road to Boston). Trong phim, nam diễn viên giống như một vận động viên marathon thực thụ, từ ngoại hình cho đến cử chỉ và điệu bộ. Ngoài ra, những phân cảnh thể hiện nội tâm của nam diễn viên 35 tuổi cũng vô cùng ấn tượng.
Có thể nói, cảnh tượng đáng xem nhất của bộ phim chính là cảnh chạy marathon của Seo Yun Bok khi thi đấu tại Thế vận hội Boston vào khoảng 15 phút cuối phim. Khi Seo Yun Bok bị ngã bởi một tai nạn bất ngờ, anh đã bị đau và chạy khập khiễng. Thời điểm chạy lên trên một con dốc hiểm trở, góc quay cận mặt nam diễn viên khiến cho người xem vừa đau lòng vừa hồi hộp.
Tuy nhiên, Bước Chân Thép (Road to Boston) vẫn có đôi chỗ khiến người xem thất vọng vì những đoạn hội thoại lê thê, dông dài. Bộ phim có chất liệu và nội dung đề cao tinh thần yêu nước, nhưng khi kết hợp với những yếu tố mang tính hiện đại, điều này lại khiến cho khán giả dễ bị mất tập trung. Ví dụ như, mỗi lúc giai điệu Arirang được phát làm nhạc nền, những cảm xúc đáng lẽ ra phải thăng hoa thì lại bị kéo tuột xuống.
Bên cạnh đó, một số cuộc xung đột quan trọng dẫn tới cuộc marathon Boston cũng được giải quyết quá vội vàng và nhanh chóng, khiến căng thẳng chưa bị đẩy lên cao trào. Những cảnh quay ngoài trời, âm thanh quá hỗn tạp đã lấn át đi lời thoại của các nhân vật. Chưa kể, bộ phim còn đôi lúc khó chịu vì đã cố gắng giữ lại những vai diễn không cần thiết.
Bộ phim Bước Chân Thép (Road to Boston) được khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc kể từ ngày 20/10.